Đối tác quan trọng của VinFast: Nổi tiếng với máy khoan và đồ bếp nhưng là "ông trùm" về công nghệ ôtô trên thế giới cũng như tại Việt Nam

Tuyết Lan |

Hai tập đoàn công nghiệp của Đức là Bosch và Siemens sẽ là những đối tác quan trọng trong lĩnh vực công nghệ sản xuất ô tô của VinFast.

Sáng 2/9, Tập đoàn Vingroup (VIC) đã tổ chức lễ khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng. Phó Chủ tịch Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết, sản xuất ô tô tuy là lĩnh vực mới nhưng sẽ là một trong những lĩnh vực chủ lực của Vingroup trong tương lai.

Để chuẩn bị cho lĩnh vực còn mới mẻ nhưng đầy tham vọng này, VinFast dự định sẽ làm việc với rất nhiều đối tác hàng đầu thế giới trong các khâu như lập kế hoạch, thiết kế, phụ tùng, tài chính… Đối với công nghệ sản xuất ô tô, ông Quang cho biết, VinFast đã thảo luận và chuẩn bị ký kết những hợp tác sâu rộng với Bosch và Siemens.

Nếu như Siemens được biết đến là hãng điện khí lớn nhất của Đức và châu Âu với phân khúc chính là tự động hóa và điều khiển, thì Bosch sẽ xuất hiện với vai trò là đối tác cung cấp các giải pháp cũng như phụ tùng, linh kiện ôtô.

Bosch là cái tên khá quen thuộc tại Việt Nam trong lĩnh vực thiết bị điện cầm tay như máy khoan hay thiết bị điện gia dụng cao cấp như bếp từ, máy rửa bát, tủ lạnh…

 Đối tác quan trọng của VinFast: Nổi tiếng với máy khoan và đồ bếp nhưng là ông trùm về công nghệ ôtô trên thế giới cũng như tại Việt Nam  - Ảnh 1.

Các dụng cụ điện cầm tay của Bosch rất phổ biến tại Việt Nam

Tuy vậy, các lĩnh vực này chỉ là một trong số nhiều lĩnh vực mà Bosch đang kinh doanh.

Thành lập từ năm 1886, hiện Bosch là một trong những tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Đức với 4 mảng kinh doanh chính là Giải pháp Mobility (trước đây là kỹ thuật ôtô), Công nghệ trong công nghiệp, Hàng tiêu dùng, Kỹ thuật xây dựng và năng lượng.

Trong đó, lĩnh vực quan trọng nhất đóng góp 60% doanh số là lĩnh vực liên quan đến công nghệ ô tô.

Theo Wikipedia, Bosch là một trong những nhà cung cấp phụ tùng độc lập lớn nhất thế giới cho ngành công nghiệp ô tô với các nhóm sản phẩm chính là Bugi đánh lửa, động cơ, hệ thống phanh, hệ thống Gasoline, hệ thống Diesel và các thiết bị hỗ trợ.

Nhiều công nghệ được người tiêu dùng biết đến hiện nay đều xuất phát từ nhà sản xuất này. Một trong số đó là hệ thống phun xăng điện tử (được giới thiệu năm 1967), công nghệ chống bó cứng phanh ABS (ra mắt năm 1978), hệ thống kiểm soát độ bám đường (1987) hay hệ thống tự cân bằng điện tử ESP (1995).

Năm 2016, doanh số bán hàng của Bosch vượt 73 tỷ Euro và lợi nhuận đạt 2,3 tỷ Euro. Mặc dù lợi nhuận sụt giảm so với năm 2015 nhưng tập đoàn này vẫn đứng thứ 76 trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới của Fortune.

 Đối tác quan trọng của VinFast: Nổi tiếng với máy khoan và đồ bếp nhưng là ông trùm về công nghệ ôtô trên thế giới cũng như tại Việt Nam  - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Bosch trong 5 năm gần đây

Lãi nghìn tỷ tại Việt Nam

Bosch bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994 và hiện là một trong những nhà đầu tư EU lớn nhất tại Việt Nam. Công ty TNHH Bosch Việt Nam có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh, hai văn phòng chi nhánh ở Hà Nội và Đà Nẵng cùng nhà máy Gasoline Systems sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục (CVT) tại tỉnh Đồng Nai.

Theo số liệu chúng tôi có được, năm 2014 doanh thu của Bosch Việt Nam đã đạt 3.900 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ.

Thông cáo của Bosch cho biết, trong năm tài chính 2016, Bosch Việt Nam có doanh thu nội địa (hợp nhất) đạt 99 triệu USD, tăng 40% so với năm 2015. Tổng doanh nội địa và xuất khẩu đạt 322 triệu USD (hơn 7.300 tỷ đồng).

Tại Việt Nam, Bosch có các ngành hàng kinh doanh: Phụ tùng và Thiết bị Ô tô; Điện tử Ô tô và Xe máy; Kỹ thuật Truyền động và Điều khiển; Kỹ thuật Đóng gói; Dụng cụ Điện cầm tay; Hệ thống An ninh.

Phụ tùng ôtô được Bosch sản xuất chính tại nhà máy Gasoline Systems thuộc tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong hai nhà máy của Bosch trên thế giới sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục.

Ngành hàng Gasoline Systems là một phần của lĩnh vực Kỹ thuật Ôtô của Bosch. Ngành hàng này sản xuất và cung cấp cho hầu hết các nhà sản xuất ô tô trên phạm vi toàn cầu các bộ phận dành cho động cơ xăng và hệ thống truyền lực, đồng thời cũng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ liên quan tới phát triển và ứng dụng kỹ thuật của hộp số tự động.

Ngoài ra, Bosch hiện cũng vận hành một trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ và các giải pháp doanh nghiệp (Công ty TNHH Robert Bosch Engineering & Business Solutions Việt Nam) và Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Ô tô tại TP. HCM. Có đến hơn 40% trong tổng số hơn 3.100 nhân sự của Bosh Việt Nam làm việc tại hai trung tâm R&D này.

Cách đây ít ngày, ông Võ Quang Huệ - Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam đã quyết định rời khỏi công ty sau hơn chục năm gắn bó. Công việc mới của ông Huệ là vị trí phó Tổng giám đốc Vingroup phụ trách ngành ô tô, phát triển dự án VinFast. Trước khi khi gia nhập Bosch, ông Huệ cũng từng có thời gian rất dài làm việc tại Tập đoàn BMW.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại