Những bức ảnh bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội, có thể gián tiếp chỉ ra thực tế về việc một đối tác bí ẩn đã giao cho Lực lượng vũ trang Ukraine số lượng nhất định pháo tự hành 2S1 Gvozdika cỡ 122 mm, nguồn gốc số vũ khí này theo dự đoán đến từ Bulgaria.
Đặc điểm nhận dạng cho thấy "nguồn gốc Bulgaria" của những khẩu pháo tự hành nói trên được biểu thị bằng màu xanh đặc trưng của chúng.
Hơn nữa cần nhớ lại thông điệp từ tháng 3 năm 2024 đó là Sofia đang chuẩn bị giao cho Kyiv một lượng vũ khí nhất định trong kho lưu trữ của mình, trong đó có những khẩu 2S1 Gvozdika.
Chính xác khi nào Ukraine nhận được các tổ hợp 2S1 từ Bulgaria là một câu hỏi mở. Và ở đây chúng ta chỉ có thể nhớ lại rằng việc chuyển giao những hệ thống pháo binh này diễn ra theo đúng nghĩa đen trong một bầu không khí bí ẩn.
Điều này đặc biệt đáng quan tâm trong bối cảnh giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Bulgaria đã công khai thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình trong các quyết định về cung cấp vũ khí cho Lực lượng vũ trang Ukraine.
Dựa trên dữ liệu của Military Balance 2023, vào đầu năm ngoái, Quân đội Bulgaria có tổng cộng 48 hệ thống 2S1 Gvozdika. Trong bối cảnh đó, không thể loại trừ viễn cảnh Bulgaria đã cung cấp pháo tự hành nói trên cho Quân đội Ukraine bằng cách lấy ra từ kho dự trữ.
Ngoài ra cần nhắc thêm đó là vào năm 2023, Ba Lan đã bán 22 tổ hợp 2S1 khác cho Ukraine và trong bối cảnh đó, câu hỏi đương nhiên cần đặt ra là việc chuyển giao các hệ thống vũ khí theo tiêu chuẩn "Khối Hiệp ước Warsaw" cho Kyiv tại sao lại tiếp tục được đẩy mạnh?
Theo nhận xét, lựa chọn có lợi nhất cho Ukraine trong điều kiện hiện tại chính là các hệ thống pháo 155 mm theo tiêu chuẩn của NATO, nhưng điều này cũng dẫn tới những hạn chế khách quan, đặc biệt là việc thiếu loại đạn có cỡ nòng phù hợp trên thị trường vũ khí quốc tế.
Bên cạnh đó, quá trình ký hợp đồng và chờ giao pháo tự hành mới có thể mất nhiều thời gian, cho nên Quân đội Ukraine vẫn cần các hệ thống pháo binh, nói một cách tương đối là "của ngày hôm qua".
Bước đi này nhằm tận dụng kinh nghiệm sử dụng cũng như kho vũ khí tồn dư với khối lượng còn rất lớn từ các nước Đông Âu, nhằm đáp ứng yêu cầu chiến trường ngày càng cấp bách.