Vì sao cô dâu Ấn Độ phải đeo khuyên mũi?

Thu Hà |

Chiếc khuyên mũi với hoa văn và tạo hình cầu kỳ là một biểu tượng cho nét đẹp của phụ nữ Ấn Độ. Nó không đơn thuần là vật trang sức mà còn ẩn chứa nhiều bí mật thú vị.

Đeo khuyên mũi chẳng còn mấy xa lạ trong đời sống của giới trẻ ngày nay. Tuy nhiên ở Ấn Độ, phong tục này còn là hôn nhân , là con cái, là sức khỏe, và trên hết là một tín ngưỡng rất mực linh thiêng.

Dù khuyên mũi được dùng phổ biến nhất tại Ấn Độ nhưng nó lại có nguồn gốc từ tục lệ xâu mũi ở các quốc gia Ả Rập.

Du nhập vào Ấn Độ từ thế kỷ 16, khuyên mũi được coi là một trong những quy định bắt buộc đối với phụ nữ theo đạo Hindu.

Nhìn vào đây, người ta có thể phân biệt được đâu là người theo đạo Hindu, và đâu là người đi theo Hồi giáo.


Vòng đeo mũi là một loại trang sức khá kỳ lạ nhưng không thể thiếu trong những đám cưới ở Ấn Độ. 

Vòng đeo mũi là một loại trang sức khá kỳ lạ nhưng không thể thiếu trong những đám cưới ở Ấn Độ. 

Người ta gọi những chiếc khuyên mũi này là: “Nath” và thường đeo ở phần vách ngăn (sụn giữa hai lỗ mũi) theo quy định xa xưa.

Tuy nhiên, ngày này, điều lệ tôn giáo được nới lỏng hơn với việc cho phép phụ nữ đeo “nath” ở cánh mũi bên trái hoặc phải.

Thế nhưng người Ấn vẫn có sự ưu tiên đặc biệt dành cho lỗ mũi bên trái. Họ cho rằng, phần cơ thể bên trái có liên quan mật thiết với cơ quan sinh sản của nữ giới.

Bấm càng nhiều khuyên, người phụ nữ sẽ tránh được những cơn đau dai dẳng trên bụng dưới trong những ngày “đèn đỏ”.

Phụ nữ Ấn Độ thường dùng các loại khuyên mũi lớn nhỏ xuyên cánh mũi, hoặc đính nhẹ các hạt đá long lanh bên khe mũi để biểu thị tình trạng hôn nhân của mình.

Phụ nữ Ấn lên 16 tuổi đã bắt đầu xỏ những chiếc khuyên mũi đầu tiên. Nếu chậm trễ, cô gái đó sẽ đứng trước nguy cơ “ế” bởi không được Parvathi – nữ thần hôn nhân phù hộ.

Ở một số vùng, đây còn là cách người ta nhận biết một cô gái đã có chồng hay chưa.

Phụ nữ xuất giá sẽ đeo khuyên mũi, ngược lại gái còn son sẽ thì không được phép. Người có càng nhiều khuyên sẽ nhận được sự ngưỡng mộ và tôn kính của xã hội.

Điều đó chứng tỏ người phụ nữ này có đời sống hôn nhân tình yêu hạnh phúc và bền vững trong nhiều năm.

Các thiếu nữ đồng trinh thường không đeo khuyên mũi.

Chỉ tới ngày xuất giá, cô dâu mới tô điểm cho khuôn mặt của mình thêm rạng ngời bằng chiếc khuyên mũi được trang trí cầu kỳ và kích thước lớn để đánh dấu thời khắc trọng  đại trong cuộc đời.

Phụ nữ đã có chồng thường đeo những chiếc khuyên mũi có kích thước vừa phải, trang trí hài hòa. Và khuyên mũi lúc này trở thành vật bất ly thân của họ.

Thậm chí, có người còn khéo léo nối khuyên mũi và khuyên tai, tạo thành một kiểu trang trí độc đáo trên gương mặt.

Theo Hindu giáo, hơi thở của người đàn bà sẽ gây nguy hại tới sức khỏe của đức ông chồng khi hai người tiếp xúc thường xuyên.

Người phụ nữ nếu đeo khuyên mũi, người ta cho rằng, luồng không khí độc hại sẽ được cản trở với sức mạnh của kim loại nặng có trong “nath” linh thiêng.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là quan điểm mê tín thường thấy của hội những người cuồng đạo mà thôi. Trên thực tế, khuyên mũi được sử dụng phổ biến tại Ấn Độ nhưng cũng chỉ với mục đích cao nhất là làm đẹp cho phụ nữ.

Tùy vào từng địa phương, phong tục đeo khuyên mũi cũng được biến hóa khôn lường.

Tại miền nam Ấn Độ, cô dâu thường đính trên cánh mũi chiếc khuyên nhỏ làm từ đá quý, dưới lỗ mũi trái còn đeo thêm khuyên làm bằng trân châu và các ngón chân cũng phải đeo nhẫn.

Riêng phụ nữ miền bắc lại đeo những khuyên mũi có kích thước lớn và dùng một sợi dây nhỏ bằng vàng nối liền với khuyên tai, tạo nên nét đẹp huyền bí.

Ngoài ra, những phụ nữ đã kết hôn còn đeo thêm một chiếc chuông nhỏ ở chân để tôn thêm nét đẹp, xua đuổi tà ma và có tác dụng ngăn chồng làm chuyện “ong bướm”.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại