Hình ảnh cậu bé Aylan – một đứa trẻ tị nạn người Syria bỏ mạng trên biển Thổ Nhĩ Kỳ trên hành trình đến với trời Âu đã gây nhức nhối, phẫn nộ trong dư luận quốc tế về vấn nạn nhập cư và quyền con người.
Trong bối cảnh nhập cư đang được các hãng truyền thông đem ra phân tích, mổ xẻ, hãng tin CNN (Mỹ) đã trích dẫn một bài viết mang quan điểm cá nhân của Haroon Moghul về vấn đề nhập cư của cộng đồng người Hồi giáo hiện nay.
Haroon Moghul là một học giả làm việc tại Viện Chính sách và Hiểu biết xã hội (ISPU) – cơ quan chuyên nghiên cứu khách quan, đồng thời cung cấp chuyên gia, các nhà phân tích các chính sách về một số vấn đề cấp bách mà nước Mỹ phải đối mặt.
Nội dung bài phân tích như sau:
Chúng tôi đã nhìn thấy em, Aylan. Ít nhất là những gì còn lại, khi linh hồn em đã bay lên thiên đàng.
Thi thể của em bị sóng đánh dạt vào bờ biển, khuôn mặt úp xuống cát trước khi nằm gọn trong tay một viên sĩ quan cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.
Thi thể anh trai em – Galip, mẹ của em – Rehen cũng được phát hiện gần đó. Gia đình em đã chết đuối trong cuộc chốn chạy, mà theo các báo cáo, đích đến là Canada, đất nước đã từ chối đơn xin tị nạn của gia đình.
Ngay cả khi phổi của em chứa đầy nước, hàng triệu người Hồi giáo vẫn đang khẩn cầu Đấng Toàn Năng cứu rỗi họ, mang đến cho họ nền an ninh và sự thịnh vượng của cộng đồng người Hồi giáo có mặt trên khắp thế giới.
Tôi đã từng có tâm trạng sục sôi y hệt như thế này, từ rất lâu, trong vô vọng, khi những người Syria tìm mọi cách để vào châu Âu, chạy trốn về phía bắc qua vùng Ban – căng. Họ vượt qua những mảnh đất nơi người Hồi giáo đã chết rất nhiều trong chưa đầy hai thập kỷ trước.
Nhưng giờ đây, số lượng người di cư đang nhiều hơn bao giờ hết, thậm chí còn nhiều hơn thời kỳ chiến tranh thế giới thứ Hai, dù hiện tại, không có một cuộc chiến tranh thế giới nào đang diễn ra.
Một nhóm người tị nạn Syria đang di chuyển vào Hungary sau khi băng qua biên giới Serbia.
Các nước Hồi giáo giàu có làm ngơ trước người anh em Syria
Hiện nay, cứ 4 người lại có 1 người Hồi giáo. Và đến năm 2050, tỉ lệ này có thể là 3:1. Vậy tại sao, nó lại có vẻ như dân số Hồi giáo càng đông, chúng ta lại càng khốn khổ hơn?.
Chúng ta giống như những đám bọt trên biển, để dòng nước cuốn trôi. Không những mất kiểm soát, chúng ta còn không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Và một điều chắc chắn, chúng ta không được hỗ trợ.
Và vì thế, nhiều người đã chọn châu Âu để tị nạn. Châu lục này hiện đang đối mặt với một loạt rắc rối cùng với sự lớn mạnh không ngừng của các cộng đồng người Hồi giáo.
Chúng ta có thể chờ mong vào chính sách “nhân đạo” của một số quốc gia châu Âu, tạo cơ hội cho người tị nạn như Slovakia – quốc gia chấp nhận đón người tị nạn với điều kiện phải là người Syria, theo Thiên chúa giáo và không quá 200 người.
Bức ảnh thi thể bé trai người Syria Aylan Kurdi nằm trên Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) khiến châu Âu chấn động.
Ngoài châu Âu, người Syria có nơi nào để đi?
Câu trả lời là Li băng và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng hai quốc gia láng giềng này đã dựng các trại tị nạn nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới để người Syria tá túc.
Trong khi đó, các nước Hồi giáo giàu có nhất thế giới – các quốc gia vùng Vịnh lại đang nhắm mắt làm ngơ trước cảnh ngộ bần hàn của người anh em cùng chung tôn giáo.
Ngay cả Iran – quốc gia đồng minh ủng hộ chính quyền tổng thống Bashar al – Assad cũng từ chối cho phép người Syria tị nạn.
Trong những khoảnh khắc như thế, sự đối lập giữa Israel - một quốc gia giàu có cách Syria không xa và các nền dân chủ phương Tây trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Israel không chỉ từ chối người Hồi giáo tị nạn, mà còn từ chối bất cứ một người Syria nào.
Điều tôi thấy khó hiểu là tại sao, những người Hồi giáo giàu có ấy có thể phớt lờ những người anh em Hồi giáo – phần lớn là những người theo dòng Sunni như họ.
Những đứa trẻ tị nạn Syria phải nằm ngủ vạ vật ngay bên đường ray tàu hỏa tại Hungary.
Thế giới Hồi giáo đang bị phá vỡ?
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là “tại sao các nước vùng Vịnh không chấp nhận những đứa bé như Aylan, Galip?”, thậm chí cũng không phải là “tại sao các quốc gia vùng Vịnh không giúp những đứa bé như Aylan, Galips có thể đến châu Âu?”.
Câu hỏi thực sự cần lời giải là “tại sao những đứa bé như Aylan, Galip, những đứa trẻ ngây thơ, vô tội phải trốn chạy?”.
Bài học của Mùa xuân Ả Rập cần phải được hiểu rõ hơn: Sự áp bức dẫn đến chủ nghĩa cực đoan và nổi loạn. Để ngăn chặn cực đoan và nổi loạn, cần chấm dứt các cuộc đàn áp và bắt tay vào những công việc khó khăn, đó là xây dựng những xã hội hòa nhập.
Những sự kiện như Mùa xuân Ả Rập, khi lặp lại, nó sẽ tồi tệ hơn. Và điều khủng khiếp là, Syria có thể mới chỉ đơn thuần là khúc dạo đầu cho các cuộc xung đột với sức tàn phá lớn hơn.
Thế giới Hồi giáo dường như đang cho thấy sự đổ vỡ, bởi ít nhất, nó không tự chăm lo cho chính cộng đồng của mình, không thể giải quyết các cuộc khủng hoảng, mâu thuẫn.
Không chỉ có Ả Rập Xê Út từ chối giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh Syria, nước này thậm chí còn đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen mà chúng ta đang giảm dần sự chú ý.
Nhiều người Hồi giáo cảm thấy bất lực, chán ghét và xấu hổ.
Không ít người đã phải bỏ mạng trên hành trình tìm kiếm hy vọng về một cuộc sống mới ở trời Âu.
Điều gì đang xảy ra?
Chúng ta tiếp cận chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa chiếm hữu và đây là mấu chốt của vấn đề.
Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cũng đang phải chịu sự can thiệp của nước ngoài và sau đó, họ cố gắng thoát khỏi nó. Trung Quốc và Hàn Quốc hay Ấn Độ và Brazil là những ví dụ điển hình.
Giờ đây, họ có thể quyết định nhiều hơn tới số phận của họ, chăm lo nhiều hơn cho người dân của họ. Họ được nhắc đến, được tôn vinh bởi sức mạnh ngày một lớn.
Sự thay đổi ấy khiến họ trở thành những diễn viên của thế giới chứ không phải chịu số phận của những nạn nhân của thế giới.
Đó là thứ mà thế giới Hồi giáo hiện đại đang bất lực trong việc tìm kiếm.
Chúng ta đang bị xâu xé bởi những chính khách như al – Assad và al – Baghdad, el – Sisi và al - Zawahiris. Vấn đề của chúng ta phải là thiên tai thảm họa khó lường, mà là sản phẩm hình thành từ tính đê hèn của con người.
Các nước Hồi giao không nghèo về kinh tế nhưng họ nghèo nàn và bị kìm hãm trong cách quản lý. Họ không lạc hậu, nhưng đang bị kìm hãm. Và dù hiện tại là như vậy, nó không có nghĩa rằng họ sẽ như vậy mãi mãi.