Văn hóa trả ơn "khó đỡ" bôi nhọ diện mạo Trung Quốc

Nguyễn Nhung |

Một nữ sinh đại học tại Trung Quốc đang phải nỗ lực tìm kiếm người làm chứng, để minh oan cho hành động được cô cho là “làm ơn mắc oán”, nằm ngoài sức tưởng tượng của mình.

Trang mạng Sohu (Trung Quốc) đưa tin cho hay, tối 9/9, trên mạng xã hội nước này xuất hiện một thông tin gây tranh cãi có tiêu đề “đỡ cụ già bị đổ oan, cần tìm nhân chứng”.

Người đăng tải thông tin này là Tiểu Viên – sinh viên năm thứ 3 Học viện Sư phạm Hoài Nam, An Huy.

Theo nữ sinh này, sáng 8/9, cô có 4 tiết học nên từ rất sớm đã từ nhà bạn học đến trường.

“Khi tôi đi xe đạp xe dọc theo đường cái đối diện cửa bắc của trường thì nhìn thấy một phụ nữ cao tuổi đang đi tập tễnh, dáng không vững ở phía trước. Tôi cũng không chú ý lắm, đạp xe vượt qua”, Tiểu Viên nói.

Tuy nhiên, theo lời thuật lại của nữ sinh này thì đi được một đoạn, cô gái nghe thấy tiếng kêu “ôi” thất thanh, quay lại nhìn thì thấy bà cụ trên đã ngã xuống đường.

“Lúc đó là hơn 7h sáng, các cửa hàng bên đường còn chưa mở cửa, trên đường cũng không có ai”, cảm thấy người này bị thương không nhẹ nên Tiểu Viên đã quay lại giúp.

Tiểu Viên đang cầu cứu người qua đường vô tình chứng kiến sự việc giúp đỡ mình.

Nhiều người vây quanh chứng kiến sự việc

“Bà có sao không”, Tiểu Viên đã hỏi như vậy khi nhìn thấy biểu hiện của người phụ nữ có vẻ đang rất đau, phần đùi rung lên liên tục. “Khi đó tôi cho rằng đùi bà cụ đau nên tôi đã giữ không cho bà cụ tiếp tục cử động”.

Đến lúc ấy, người đi đường mới dừng lại vây quanh Tiểu Viên và bà cụ nhưng vẫn không ai tiến đến giúp. “Tôi đã nhờ một người đi đường gọi điện cho người nhà bà cụ”.

Một lúc sau, một phụ nữ trung niên hớt hải đến hiện trường. Người này là con dâu bà cụ.

Thấy người nhà nạn nhân đã đến, Tiểu Viên liền “bàn giao” bà cụ cho người con dâu. Không ngờ, người này nhất quyết không cho cô gái rời đi, còn bắt cô gọi cấp cứu, đưa bà cụ vào viện.

“Tôi đã do dự một chút nhưng sau cũng nhận lời, còn gọi điện thoại cho bạn học nhờ họ đến giúp một tay”, nữ sinh viên cho biết.

Đền trước 2.000 NDT

Suốt buổi sáng ngày 8/9, Tiểu Viên luôn ở cạnh bà cụ gặp nạn. Tuy nhiên, một đoạn hội thoại đã khiến cô gái trẻ “ngã ngửa”.

“Bác sĩ nói với người con dâu là bà cụ bị thương rất nặng, có thể đã bị gẫy xương đùi và hỏi nguyên nhân tại sao. Không ngờ, bà ta trả lời là do một học sinh đâm phải”, Tiểu Viên kể lại.

Khi đóng tiền viện phí, người con dâu không đem đủ tiền nên đã bắt bạn học của cô gái đền trước 2000 NDT, ngoài ra, thẻ sinh viên cũng bị bà ta giữ lại.

“11 giờ trưa hôm đó, khi con dâu bà cụ về nhà lấy đồ, tôi và các bạn học vẫn ở lại bệnh viện đến hơn 1 giờ chiều”. Cảm thấy không ổn, cô gái gọi điện cho giáo viên của mình, kể rõ đầu đuôi câu chuyện trước khi rời khỏi bệnh viện.

Giáo viên cùng học sinh đến đồn công an trình báo sự việc

Chiều 9/9, cùng với sự giúp đỡ của giáo viên, Tiểu Viên đã đến công an quận trình báo sự việc. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra camera giám sát không thu được kết quả khả quan, do có thể vị trí bà cụ ngã là góc khuất, máy quay không chụp được hình ảnh.

9 giờ tối cùng ngày, nữ sinh viên năm 3 đăng tải thông tin trên weibo để tìm kiếm người làm chứng cho mình với nội dung:

“Tôi là sinh viên năm thứ 3 Học viện Sư phạm Hoài Nam. Sáng nay tôi có đỡ một bà cụ…. có người qua đường nào chứng kiến sự việc, xin hãy ra làm chứng giúp tôi”.

Theo Sohu, bài viết của của Tiểu Viên đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên phạm vi toàn quốc. Chiều 9/9, cô gái cho biết đã có người liên hệ và sẵn sàng làm chứng giúp mình.

Theo đó, các tấm ảnh được nhân chứng chụp tại hiện trường cho thấy, đúng là nữ sinh viên đã đỡ bà cụ dậy, chứ không đâm xe, khiến bà cụ ngã.

Bằng chứng xác thực được cư dân mạng trình báo lên công an sau khi nữ sinh viên tìm cách cầu cứu những người qua đường làm chứng trên mạng xã hội weibo.

Nếu không đâm ngã tại sao lại đưa bà cụ vào viện?

Trong khi đó, trả lời phóng viên trang tin Sohu, con dâu bà cụ bị ngã nhất quyết cho rằng chính Tiểu Viên đã đâm phải mẹ chồng mình.

“Nếu không đâm phải mẹ tôi, tại sao cô ta và cả bạn cô ta lại đưa cho tôi 2000 NDT để trả tiền viện phí? Nếu không gây ra lỗi, liệu họ có làm vậy không? Lúc ở bệnh viện, cô ta còn nói xin lỗi không may bị ngã, nói như vậy chẳng phải là cô ta đã đâm vào mẹ tôi sao.”

Người này cũng cho rằng, lúc ở bệnh viện, một mình bà ta lo mọi chuyện rất bận, nếu không giữ lại thẻ học sinh của Tiểu Viên sẽ không biết cô gái ở đâu mà tìm.

Không phải là tiền lệ

Kịch bản câu chuyện này là hiện tượng vô cùng phổ biến ở Trung Quốc.

Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, những người cao tuổi không may gặp nạn nơi công cộng thường bị làm ngơ, người lạ không dám cứu vì sợ bị đổ oan.

Có lẽ vì thứ “văn hóa không giống ai” này mà ngày 7/9 vừa qua, do trời mưa, một phụ nữ ở Quảng Châu không may trượt chân ngã nhưng những người xung quanh chỉ cầm ô... đứng nhìn, không dám giúp vì sợ bị mua rắc rối vào người.

Những người xung quanh chỉ đứng nhìn, tuyệt nhiên không ai dám nâng người phụ nữ nằm dưới đất dậy.

Trước đó vài ngày, một cụ ông ở Hà Nam đã chết đuối tức tưởi dưới một con đường ngập nước vì không thể đứng dậy và cũng không được ai giúp, dù chỉ cần một cái kéo tay là ông cụ có thể thoát chết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại