Thân thế “đáng ngờ” của Hoàng đế xa xỉ nhất lịch sử Thanh triều

Trần Quỳnh |

Việc Hoàng đế Khang Hy truyền ngôi cho Ung Chính phải chăng chỉ nhằm mục đích “dọn đường” để Càn Long thuận lợi đăng cơ sau này?

Vào cuối đời, Khang Hy đã phải chứng kiến cuộc tranh giành ngai vị khốc liệt của các hoàng tử.

Thất vọng trước cảnh “nồi da xáo thịt” ấy, ông đã đặt cả niềm tin vào “hoàng tôn” (cháu ruột) của mình lúc bấy giờ là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, cũng chính là Hoàng đế Càn Long sau này.

Chính vì điều này mà có nhiều học giả cho rằng, việc Khang Hy truyền ngôi cho Ung Chính nhằm mục đích “dọn đường” để Hoằng Lịch sau này thuận lợi đăng cơ.

Trong lịch sử Trung Quốc, Càn Long là vị vua sở hữu nhiều kỷ lục. Không chỉ là hoàng đế thọ nhất, Càn Long còn là vị vua tại vị lâu nhất, là hoàng đế xa hoa bậc nhất Thanh triều.

Thuở thiếu thời, Càn Long được ông nội là Khang Hy tận tâm bồi dưỡng, hết mực yêu thương, tới khi thành niên cũng thuận lợi đăng cơ.

Sau này nhờ mở rộng bờ cõi, Đại Thanh dưới thời Càn Long đã trở thành một đế quốc, triều đại của ông cũng vô cùng thịnh trị, phồn vinh.

Tuy nhiên thân thế của vị hoàng đế nổi tiếng bậc nhất Thanh triều này lại luôn là một bí ẩn đối với hậu thế.

Liệu Càn Long có phải là con ruột của Ung Chính hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã đặt ra không ít giả thiết.

Trong đó có giả thiết cho rằng, Càn Long trên danh nghĩa là con trai Ung Chính, nhưng thực chất lại là con ruột của Hoàng đế Khang Hy.


Chân dung Hoàng đế Khang Hy.

Chân dung Hoàng đế Khang Hy.

Bí ẩn xung quanh di chiếu truyền ngôi của Khang Hy

Từ trước tới nay, việc Ung Chính đăng cơ sau khi Khang Hy băng hà luôn là mối hoài nghi của các nhà sử học.

“Khang Hy thực lục” có viết: Ung Chính vui giận thất thường, tính khí nóng nảy, Khang Hy nhiều lần tỏ ra không hài lòng với vị hoàng tử này, càng không có khả năng chọn ông làm người kế vị.

Sinh thời, Ung Chính vốn không được phụ hoàng yêu quý, nhưng sau này lại đường đường chính chính bước lên ngai vị nhờ vào di chiếu truyền miệng của vua cha. Việc kỳ lạ này khiến hậu thế không khỏi nghi ngờ.

Chưa dừng lại ở đó, thái độ của Ung Chính đối với Càn Long trước và sau khi lên ngôi hoàn toàn bất đồng. Điều này càng làm nảy sinh nhiều câu hỏi về mối quan hệ thực sự giữa hai vị vua nổi tiếng trên.

Chương 16 thuộc phần phụ lục của cuốn “Khang Hy Hoàng đế tự truyện” có ghi lại lời dụ:

“Dụ Cố thái giám: Ngày hôm trước trẫm có nói câu “tâm thực trừ tặc, ý bất hư phát” (mối họa thực sự đã được trừ bỏ, trong lòng mới an). Nay Cát Nhĩ Đan đã chết, kẻ kế vị lại quy thuận triều đình ta. Chuyện này coi như đã thành toàn.

Trẫm đã từng ba lần chinh chiến trên sa mạc, ăn gió nằm sương, làm nên đại sự. Nay quân Mông đã dẹp yên, lòng trẫm không còn gì vướng bận. Vài ngày nữa trẫm về cung, tránh để việc này truyền ra ngoài. Đặc dụ!”

Dựa vào hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, ngoại xâm nội phản đã dẹp yên, Khang Hy sở dĩ muốn “về cung”, ít thiết triều rất có thể là vì không muốn nhìn thấy cảnh các hoàng tử ngày đêm tranh quyền đoạt vị.

Nhưng cũng rất có thể ông muốn “về cung” để có thời gian bồi dưỡng cho Hoằng Lịch (Càn Long) thành tài để sau này kế vị.

Chính sử Thanh triều cũng ghi: ngay từ khi còn nhỏ, hoàng tôn Hoằng Lịch đã được hai vị phi tần của Khang Hy nuôi dưỡng trong cung.

Càn Long nhiều lần thừa nhận Khang Hy là cha ruột


Chân dung Hoàng đế Càn Long.

Chân dung Hoàng đế Càn Long.

Năm Càn Long thứ 60, Càn Long nhường ngôi cho Thái tử, lên làm Thái thượng hoàng, chuyển vào Gia Khánh điện. Tính đến năm đó, thời gian tại vị của Càn Long đúng bằng Khang Hy (61 năm).

Nhiều người cho rằng việc chủ động nhường ngôi này là vì Càn Long không muốn bất kính với tổ phụ (ông nội).

Trong khi đó, thời gian Càn Long tại vị còn dài hơn so với Ung Chính. Như vậy có thể thấy, tình cảm của vị hoàng đế này đối với Khang Hy còn khăng khít hơn với phụ thân của mình.

Trong “Thượng dụ đương”, Càn Long gọi triều đại của mình là “Khang – Càn thịnh thế”. Hai chữ “thịnh thế” này chỉ gắn với bản thân ông và Khang Hy hoàng đế, chứ không hề nhắc tới phụ thân là Ung Chính.

Cuốn “Vĩnh Hiến lục” của Tiêu Thích cũng từng viết: Ung Chính khi mới lên ngôi đã sắc phong Lạp thị là Hoàng hậu, Niên thị làm Vi Quý phi, Lý thị làm Tề phi, còn Tiền thị làm Hy phi. Vị Hy phi này chính là mẫu thân của Càn Long.

Tuy nhiên Hy phi lại có xuất thân đặc biệt. “Mãn học nghiên cứu” tập II khẳng định: Tiền thị tiến cung vào năm Khang Hy thứ 49, nhưng không được sắc phong bất kỳ danh vị nào, tới mấy năm sau mới được đưa vào Ung vương phủ của Tứ hoàng tử (Ung Chính sau này).

Nói cách khác, trước khi trở thành thiếp của Ung Chính, mẹ của Càn Long đã từng nằm trong hậu cung của Khang Hy.

Sau khi lên ngôi, Càn Long đã đổi tên Ung vương phủ năm xưa thành Ung Hòa cung để thờ phụng tổ phụ Khang Hy. Tháng giêng hằng năm, Hoàng đế đều đến nơi này thắp hương tế lễ để bày tỏ lòng thành.

Vào năm 80 tuổi, Càn Long khi đến Ung Hòa cung thắp hương đã làm một bài thơ. Trong đó có một câu thơ đầy ẩn ý: “Đáo tư mỗi ức ngã sinh sơ” (nhớ lại lúc ta sinh tại nơi này).

Ý thơ này chính là sự hồi tưởng của Càn Long về tuổi thơ được Khang Hy nuôi dưỡng tại nơi này. Phải chăng vị vùa này không những khẳng định đây là nơi mình sinh ra, mà còn gián tiếp thừa nhân Khang Hy là cha ruột?

Nếu giả thiết trên là sự thật, thì việc truyền ngôi cho Ung Chính chẳng qua chỉ là một quân cờ “trung gian” để Khang Hy đường đường chính chính trao Đại Thanh vào tay con trai của mình là Hoàng đế Càn Long mà thôi.

Tuy nhiên việc Càn Long có thực là con ruột của Khang Hy hay không, cho tới nay vẫn chỉ là suy đoán của hậu thế!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại