Trong nhiều bộ phim cổ trang Hoa ngữ, người xem thường dễ dàng bắt gặp hình ảnh của “Thượng phương bảo kiếm” – thứ tượng trưng cho Hoàng quyền của vua chúa. Vậy nhưng, thanh kiếm này liệu có thực sự tồn tại trong lịch sử Trung Hoa?
Thực tế đã chứng minh: thanh kiếm Thượng phương xuất hiện nhiều trong các bộ phim về Tống triều, Minh triều, thậm chí cả Thanh triều chỉ là sự khoa trương của phim ảnh.
“Bội thực” vì hình ảnh tràn lan của Thượng phương bảo kiếm
Trong loạt phim truyền hình nổi tiếng Bao Thanh Thiên, khán giả hẳn còn nhớ chi tiết Bao đại nhân được vua Tống ban cho một thanh Thượng phương bảo kiếm, có thể “tiền trảm hậu tấu”.
Bộ phim “Quan cửu phẩm tép riu” cũng từng đề cập đến Thượng phương bảo kiếm với khả năng “trên chém hôn quân, dưới chém gian thần.”
Không chỉ riêng "Bao Thanh Thiên", người xem còn dễ dàng bắt gặp hình ảnh của "Thượng phương bảo kiếm" trong cơ số các phim cổ trang của Trung Quốc. (Ảnh: nguồn internet).
Kỳ thực, đây chỉ là một chi tiết hư cấu trên phim ảnh. Các triều đại phong kiến của Trung Hoa cũng không cho phép lưu hành hình thức “tiền trảm hậu tấu” như vậy.
Nếu quả thực quyền sinh quyền sát quy tụ lại trong một thanh kiếm như vậy, chẳng phải đây chính là một thứ vượt mặt Thiên tử, đe dọa trực tiếp tới hoàng quyền và sự an nguy của hoàng tộc hay sao?
Bảo kiếm thực chất là thứ “sản xuất hàng loạt” và “lưu hành nội bộ”
Khái niệm “Thượng phương bảo kiếm” xuất hiện sớm nhất từ thời nhà Hán. Khi đó, “Thượng phương” là từ dùng để chỉ một nơi sản xuất các đồ vật chuyên dùng cho hoàng gia như chum, vại, bàn, ghế…
Vị quan chịu trách nhiệm quản lý xưởng sản xuất này được gọi là “Thượng phương lệnh”. Do tính chất tư nhân của các đồ vật làm ra tại đây, người đứng đâu “Thượng phương” phần lớn là các thái giám được Hoàng đế tin tưởng.
Thái Luân – người có công sáng chế ra giấy đầu tiên tại Trung Hoa cũng là người thuộc “Thượng phương”. Qua đó, có thể thấy nơi đây từ lâu đã trở thành “lò đào tạo” các thái giám tài hoa xuất chúng.
Trên thực tế, bảo kiếm Thượng phương chỉ là một thứ vũ khí dành riêng cho Hoàng tộc chứ không hàm chứa đặc quyền gì. (Ảnh: nguồn internet)
Bên cạnh nhiệm vụ chế tạo những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày cho hoàng tộc, “Thượng phương” cũng kiêm nhiệm việc sản xuất vũ khí chuyên dùng của hoàng gia.
Binh khí làm nên thương hiệu của nơi này chính là “Thượng phương trảm mã kiếm” (kiếm trảm mã được sản xuất từ Thượng phương).
Tương truyền rằng, Thượng phương trảm mã kiếm là một thứ vũ khí có chất lượng tuyệt hảo. Vào thời nhà Tống, có người đào được một thanh trảm mã kiếm từ Hán triều.
Trải qua hơn một nghìn năm, thanh kiếm không hề rỉ sét mà vẫn sắc bén như lúc ban đầu. Qua đó, ta có thể thấy được trình độ chế tạo binh khí từ thời nhà Hán đã vô cùng phát triển.
Như vậy, có thể thấy thứ gọi là “thượng phương bảo kiếm” thực chất chỉ là những thanh kiếm được sản xuất hàng loạt và lưu hành trong phạm vi hoàng tộc.
Biểu tượng của hoàng quyền hay chỉ là mơ ước của bách tính?
Câu hỏi đặt ra là: điều gì đã khiến cho một đồ vật bình thường như kiếm Thượng phương sở hữu đặc quyền “trên chém hôn quân, dưới trảm gian thần” trong mắt hậu thế? Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ một câu chuyện cổ từ thời nhà Tây Hán.
Sử cũ có ghi: Hán Thành Đế năm xưa có một vị quan nổi tiếng thẳng thắn tên là Chu Vân. Đứng trước sự vô dụng của đám nịnh thần trong triều, họ Chu từ lâu đã sinh lòng bất mãn. Một ngày, Chu Vân liền tâu với Thành đế:
“Hiện tại triều đình có một số đại thần, trên thì không thể phục vụ Hoàng thượng, dưới lại không làm được chuyện có ích cho bách tính, ngày ngày chỉ biết ăn bổng lộc.
Xin bệ hạ ban cho thần một thanh Thượng phương trảm mã kiếm, để thần có thể chém một, hai kẻ nịnh thần, cũng coi như “giết gà dọa khỉ”.
Thành đế nghe vậy, trong lòng vốn không vui, thầm nghĩ tên quan nhỏ này khẩu khí không nhỏ. Nhưng thân là Thiên tử, ông cố nén lửa giận, hỏi Chu Vân:
“Nhà ngươi muốn chém kẻ nào?”
Chu Vân đáp:
“An Xương hầu – Thừa tướng Trương Vũ.”
Sinh thời, An Xương hầu giữ chức Thừa tướng, có thể coi là “dưới một người trên vạn người”, lại là thầy của nhà vua, được Thành đế rất mực kính trọng. Bởi vậy, Hoàng đế nổi giận, sai người lôi Chu Vân đi chém.
Khi quân lính định lôi ông đi, Chu Vân một mực bấu víu vào tấm cửa của điện chầu. Hai bên giằng co, lớp của trong tay Chu Vân liền bị gãy. Ông nói:
“Thần tự so với Long Phùng, Tỷ Can, cho dù bị giết cũng không nuối tiếc, chỉ lo không biết sau này quốc gia sẽ trở nên thế nào.”
Văn võ bá quan thấy vậy, thấu hiểu cho nỗi lòng của Chu Vân, một mực cầu xin Thành đế tha chết cho ông. Câu chuyện này lưu truyền dân gian, trở thành điển cố nổi tiếng “Chu Vân chiết hạm” (Chu Vân bẻ gãy cửa).
Điển cố "Chu Vân chiết hạm" cũng xuất phát từ việc vị quan này xin Thành đế ngự ban Thượng phương bảo kiếm để trảm gian thần. (Tranh minh họa).
Sở dĩ Chu Vân xin được ban Thượng phương trảm mã kiếm bởi đây là sản phẩm chỉ hoàng gia mới được sở hữu, có thể dùng để thay mặt Hoàng đế.
Xin được ngự ban kiếm Thượng phương chỉ là cái cớ, Chu Vân thực chất mong Hoàng đế ra tay diệt trừ nịnh thần, trấn an triều đình.
Từ đó về sau, thiên hạ bắt đầu lưu hành câu nói:
“Hận không thể xin Thượng phương bảo kiếm, lập tức chém…” Danh sĩ nổi tiếng Tống triều là Âu Dương Tu cũng từng mượn điển cố này mà cảm thán: “Hận không thể xin Thượng phương bảo kiếm, lập tức chém kẻ trộm!”
Tuy nhiên, câu nói này thực chất chỉ để giải tỏa nỗi lòng mà thôi. Một thanh kiếm mang đặc quyền như vậy chưa từng tồn tại, cũng chưa từng được ban cho bất cứ người nào.
Chi tiết “Thượng phương bảo kiếm” trong các tiểu thuyết thời Minh, Thanh hay trên màn ảnh đều là sự hư cấu một cách thái quá của những người làm nghệ thuật.
Thời xưa, Thiên tử có thể sai quần thần thay mặt mình đi làm nhiều việc như tuần tra, chinh chiến, cũng có thể ủy quyền những món đồ tượng trưng cho quyền lực.
Không nhất thiết phải là kiếm Thượng phương, một số thứ như thánh chỉ, cờ, quạt giấy…cũng có thể thay mặt cho Hoàng đế.
Chỉ riêng trong chiến tranh, do việc quân cấp bách, truyền tin sẽ mất thời gian, nên Hoàng đế mới ban cho tướng soái một món binh khí để “tiền trảm hậu tấu”, ra quyết định thay cho nhà vua mà tùy cơ ứng biến với tình hình chiến sự.
Trên thực tế, việc ngự ban những bảo vật trên cũng giống như trao tặng vinh dự cho quần thần, không khác gì so với việc thăng chức hoặc tăng thêm phần tín nhiệm.
Các đồ vật này cũng chỉ chứa đựng quyền lực trong một giới hạn nhất định, chứ không có đặc quyền “trên chém hôn quân, dưới trảm gian thần” như trong tưởng tượng của hậu thế.