Thịt lợn, vốn rẻ tiền, phổ biến, dễ ăn dễ chế biến. Từng món một, từ xúc xích, thịt xông khói, sườn non, chân giò đều là món khoái khẩu của không ít người.
Có thể nói, phổ biến nhất trên thế giới là thịt lợn, và cũng khá nhiều người là fan của loại thịt này, hay các chế phẩm từ thịt lợn.
Tổ chức bảo vệ động vật PETA, tổ chức năng nổ nhất trong việc phanh phui những sự thật đen tối đằng sau các món ăn nổi tiếng đã để mắt đến món ăn khoái khẩu của nhiều người này. Và sự thật được bóc trần không hề đẹp đẽ một chút nào cả.
Không có cái cảnh bình yên này đâu, cuộc sống trong trang trại nhân giống lợn là cả địa ngục trần gian.
Đầu tiên, đến với trang trại nuôi lợn lấy thịt. Tại đây người ta sẽ chọn ra những con lợn nái chuyên nhiệm vụ sinh sản, duy trì lượng lợn con trong trang trại.
Bạn nghĩ lợn nái được đặc cách ăn-ngủ-nghỉ-đẻ, đại lãn, tận hưởng, sống chỉ có thể, béo núc tròn quay? Nhầm, số phận của chúng, chính xác chỉ là những cái máy đẻ.
Một khi những con lợn nái mang thai, chúng sẽ bị dồn vào những chiếc lồng cố định và bị nhồi nhét thức ăn mỗi ngày, chờ đến khi hạ sinh.
Lợn cái bị nhốt vào chuồng, liên tục thụ tinh để đẻ.
Thông thường, khi sinh con xong, lợn mẹ sẽ tự mình liếm láp làm sạch cho con, sau đó cũng tự nó làm tổ để con được an toàn. Hình ảnh tưởng chừng rất đẹp về tình mẫu tử ấy, chẳng bao giờ xuất hiện ở trang trại nhân giống lợn lấy thịt.
Do bị nhốt trong lồng suốt thời gian thai kỳ, duy trì đúng một tư thế, vì vậy đến khi sinh con lợn mẹ rất yếu, không thể tự cử động cổ để làm sạch hay xây ổ cho con. Lợn mẹ sau đó chỉ có thể nằm bệt, bị chủ trang trại cho vào những buồng sưởi để cho con bú.
Cả cuộc đời của những con lợn cái, chỉ xoay quanh hai khu vực: lồng ăn và ổ cho con bú. Đến khi chẳng còn khả năng sinh đẻ nữa, đích đến cuối cùng, đương nhiên là lò mổ.
Lợn mẹ sau khi sinh không thể tự làm gì cho con.
Bị đưa vào ổ cho lợn con bú.
Về phần lợn con, nếu như ở các vườn chăn thả tự nhiên, lợn con sẽ được ở bên cạnh mẹ, được mẹ che chở, yêu thương, tận hưởng hơi ấm từ lợn mẹ cho đến khi đủ vững vàng.
Nhưng ở các lò mổ hiện đại, chúng chỉ được bú mẹ khoảng vài tuần, sau đó sẽ bị tách bầy ra nuôi tập thể.
Trước đó, chủ trang trại sẽ chặt đuôi, răng bị nhổ, con đực sẽ bị thiến, tất nhiên, thuốc giảm đau hay biện pháp gây mê là những thứ quá xa xỉ để đầu tư vào các sinh vật kiểu gì rồi cũng sẽ đem đi làm thịt.
Lũ lợn con chỉ có thể cầu nguyện qua ngày, mong sao mình sẽ lớn kịp với đồng loại, kịp với mong muốn của chủ nhân mà thôi.
Tại sao? Bởi nếu chúng không lớn nhanh, người ta sẽ đem chúng ra nện, giết chết luôn để không phải tốn nhiều tài nguyên nuôi.
Lợn con lớn không kịp với đàn sẽ phải chịu kết cục thảm khốc.
Chuồng nuôi nhốt thì sao? Giống như hầu hết các trang trại công nghiệp nuôi lấy thịt, lợn chỉ được ở trong chuồng nuôi tập thể, chen chúc, giành nhau từng không gian sống.
Cũng bởi vậy, nơi sống của chúng vô cùng bẩn thỉu, và việc lợn bị bệnh không phải là chuyện hiếm gặp, và cũng chẳng nhận được sự điều trị nào.
Không gian sống bẩn thỉu chật hẹp.
Quá trình sống tập thể chỉ trong vòng 6 tháng, sau đó đàn đàn lũ lũ bị tống lên xe tải, dồn nén hàng chục, hàng trăm con một lúc, bắt đầu hành trình đi đến đoạn cuối của cuộc đời tại các lò mổ.
Nếu vào những ngày mùa đông lạnh giá, nhiều khi lợn còn bị đông cứng, dính liền vào xe.
Theo lời một nhân viên lò mổ tiết lộ, với những con bị kẹt, người ta sẽ lấy dao xén luôn phần thịt, phần da bị dính ấy rồi đem vào lò mổ tiếp. Tất nhiên, cũng lại không có bất cứ biện pháp giảm đau gây tê nào hết.
Bị dồn nén vào xe tải đem đến lò mổ.
Lợn sẽ bị nhân viên giết mổ kết liễu cuộc đời, nhưng không phải theo cách nhẹ nhàng nhất, mà vô cùng đau đớn dai dẳng.
Có khi là vài nhát búa, có khi kéo dài hàng chục phút nếu lợn không chết. Có con còn bị rạch cổ giết chết khi vẫn đang thoi thóp, tạo ra cảnh tượng giằng co giữa sự sống và cái chết đáng sợ đến ghê người.
Xong xuôi, chúng, cũng như hàng loạt đồng loại khác, bị xẻ thịt, bị lọc xương, biến thành từng miếng thịt xông khói, hay từng cây xúc xích, từng miếng dẻ sườn mà người ta yêu thích, ngấm vào cơ thể người ta với nỗi đau ai oán.
Lợn giãy giụa trong đau đớn vì bị giết không có biện pháp gây mê.
Tổ chức PETA kêu gọi người dân phản đối sự ngược đãi với lợn bằng cách không ăn thịt lợn nữa. Nhưng đây không phải biện pháp lý tưởng.
Vẫn còn nhiều cách khác để quy trình giết mổ bớt phi nhân tính, có thể đơn giản nhất bắt đầu từ những mũi tiêm gây mê?