Người đàn ông 32 tuổi của bộ lạc Mbuti bên dòng sông Kasai, hiện thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa Dân chủ Congo, chỉ cao chưa đầy 1,5 mét và có hàm răng được mài nhọn – một truyền thống của bộ tộc.
Cuộc sống của Mbuti vốn đã chìm trong bi kịch. Vợ và hai con của Benga đã bị sát hại.
Samuel Phillips Verner, một doanh nhân người Mỹ ở châu Phi được giao nhiệm vụ tìm kiếm người lùn phục vụ cho cuộc triển lãm “cách mạng văn hóa” ở Hội chợ Thế giới, đã gặp Benga vào năm 1904.
Cùng với Benga, một số người bản địa châu Phi khác cũng bị bắt và đưa về Mỹ làm vật trưng bày trong triển lãm.
Tại đây, họ mặc trang phục truyền thống của bộ lạc mình và đứng giữa khung cảnh tái hiện vùng đất họ sinh sống ở quê nhà.
Sau cuộc triển lãm, Benga quay về châu Phi và kết hôn lần thứ hai. Nhưng sau đó, anh lại tới Mỹ khi người vợ mới của anh chết vì bị rắn cắn.
Verner đã lo liệu cho Benga sống trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên châu Mỹ ở New York, nơi anh được “tự do đi lại."
Tuy nhiên, Benga đã bị đưa vào vườn thú Bronx sau khi ném một chiếc ghế vào khách tham quan.
Vào một ngày đen tối năm 1906, 40 năm sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ, vườn thú Bronx đã nhốt Benga vào một chuồng thú cùng một con khỉ, và rất nhiều người đã đổ xô đến vườn thú để “chiêm ngưỡng” anh.
Mặc dù phía vườn thú khẳng định họ đã “thuê” Benga làm việc, thực tế anh không nhận được một đồng lương nào.
Không những vậy, nhận ra khách tham quan rất quan tâm đến anh, cũng như việc anh luôn thấy cảm thương với những con khỉ bị nhốt, nhân viên vườn thú đã từng bước khuyến khích Benga chuyển vào sống chung với lũ khỉ.
Họ mắc võng cho anh trong một cái chuồng lớn, đặt một tấm bia làm đích ngắm cho anh bắn cung. Kết quả là Benga trở thành một trong những "động vật trưng bày" nổi tiếng nhất của vườn thú.
Nhiều người đã chỉ trích việc vườn thú Bronx đưa Benga ra trưng bày như một con thú.
Một độc giả của tờ The New York Globe viết: “Tôi từng sống ở miền Nam vài năm, và dù không thực sự thích người da đen, nhưng tôi tin anh ta [Benga] cũng là một con người.
Tôi nghĩ thật đáng hổ thẹn khi chính quyền thành phố này cho phép người dân thấy một cảnh như thế ngay ở Bronx – một người da đen nhỏ bé bị đưa ra trưng bày cùng một con khỉ trong chuồng.”
Vài ngày sau, vườn thú Bronx đã phải ngừng đưa Benga ra trưng bày, sau khi các thành viên của Ủy ban Người rửa tội bày tỏ sự phản đối với sự “suy đồi đạo đức” này: “Chúng tôi tin anh ta xứng đáng được coi như một con người với linh hồn thực sự."
Benga được đưa ra khỏi chuồng, và được phép đi lại tự do, nhưng giờ đây, đám đông lại đuổi theo anh, chế giễu và quát nạt anh.
Benga sau đó được đưa tới Lynchberg, Virginia. Anh được đổi tên thành Otto Bingo, hàm răng anh được mài phẳng lại, và anh được đi học trong một thời gian ngắn, tới khi trình độ tiếng Anh đủ để xin được một công việc ở nhà máy thuốc lá.
Nhưng không lâu sau, nỗi nhớ quê hương châu Phi lại trỗi dậy và Benga muốn về nhà.
Tiếc là khi đó, Thế chiến thứ nhất bùng nổ khiến mọi hoạt động đi lại bằng tàu thuyền đều bị ảnh hưởng.
Ngày 20/3/1916, Benga đã đốt một đống lửa nghi lễ, rồi dùng một khẩu súng lấy trộm được và tự sát bằng cách bắn vào tim mình.
Anh được chôn cất tại một ngôi mộ không tên ở Lynchburg. Ngày nay, Benga được nhớ tới như một người tử vì đạo để kết thúc sự phân biệt chủng tộc.
Cái chết của anh là một lời nhắc nhở luôn nhức nhối rằng con người có thể tàn nhẫn với nhau đến mức nào./.