Theo tập tục Chhaupadi của Ấn Độ giáo tại khu vực địa phương, nữ giới trong thời gian có kinh nguyệt hoặc vừa sinh con phải tuân theo hàng loạt các quy định về bữa ăn, chỗ ngủ và nhiều chuyện khác.
Phụ nữ trong thời gian này không thể vào nhà riêng, không được nấu cơm, không chạm vào chồng mình, càng không được đến đền thờ, trường học và phải ở trong chuồng bò hoặc nhà tạm. Ngoài bánh mỳ mặn và cơm họ không được ăn bất cứ thứ gì khác.
Một phụ nữ Nepal chia sẻ về những luật tục khắc nghiệt đối với phái yếu trong kỳ kinh nguyệt.
Trong quan niệm của Ấn Độ giáo, nếu nữ giới thời gian này không tuân theo tục lệ sẽ mang lại vận hạn cho gia đình, nghiêm trọng thì gây ra cái chết cho người thân.
Họ chạm vào hoa màu, hoa màu sẽ khô héo, động vào nguồn nước, nước sẽ cạn kiệt, họ chạm vào hoa quả trên cây, hoa quả không thể nảy nở phát triển...
Sofalta năm nay 16 tuổi, mỗi tháng “đến ngày” cô đều cảm thấy vô cùng hoảng sợ khi đối mặt với truyền thống này, vì đây như là thời gian để “chịu tội”.
Nhưng Sofalta không dám phản đối vì cô sợ sẽ làm liên lụy đến người thân, mang lại điều không may cho gia đình.
“Chúng tôi đều không muốn ở những nơi dơ bẩn như vậy, nhưng không còn cách nào khác vì đây là luật của thượng đế”.
Phụ nữ Nepal bị đuổi ra chuồng bò ăn ngủ vào những ngày "đèn đỏ".
Tập tục này đã gây tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần cho những người phụ nữ nơi đây. Họ thấy sợ mỗi kỳ kinh đến, cảm thấy nhục nhã và cô đơn.
Vài ngày ở trong môi trường bẩn thỉu có thể khiến họ mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi, bệnh về đường hô hấp...
Các bà mẹ sau khi sinh con thể chất vẫn còn yếu nhưng không được chăm sóc cẩn thận trong nhà, mà bị đuổi ra ngoài chuồng bò lạnh lẽo, điều này dẫn đến tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và phụ nữ sau sinh ngày càng cao.
Tính đến thời điểm này tập tục Chhaupadi đã được lưu truyền tại Nepal vài thế kỷ, một số khu vực ở Ấn Độ hay Bangladesh cũng có người tuân theo tập tục này.
Tuy tòa án tối cao Nepal đã cấm chỉ tập tục Chhaupadi vào năm 2005, thế nhưng khu vực phía tây của quốc gia này vẫn áp dụng rộng rãi truyền thống lạc hậu. Những khu vực đó đều có đặc điểm chung là kém phát triển, bất bình đẳng giới và tỉ lệ mù chữ cao.
Theo số liệu thống kê của tổ chức Dự án hành động Nepal (Awon), ở khu vực Trung bộ và vùng xa Tây bộ của Nepal có khoảng 95% nữ giới thực hiện theo tập tục truyền thống Chhaupadi.
Thậm chí có một số phụ nữ Nepal sau khi ra nước ngoài vẫn tuân theo tục lệ ở các mức độ khác nhau.
Hiện nay có rất nhiều tổ chức phúc lợi xã hội đang thực hiện tuyên truyền khoa học tại Nepal, giúp người dân nơi đây bỏ đi tập tục không tốt này, để những người phụ nữ giảm bớt nỗi khổ.