Mới đây, CEO trang mạng xã hội Facebook Mark Zuckerburg đã phát biểu với các đại diện của Liên Hợp Quốc trong một buổi họp về kế hoạch cung cấp Internet miễn phí cho những người di cư Syria tại Châu Âu.
Anh tin rằng Internet có sức mạnh to lớn, nó không chỉ giúp người tị nạn thuận tiện tiếp cận với các tổ chức hỗ trợ mà còn có thể giữ liên lạc với gia đình và người thân.
Trong một diễn đàn tại trụ sở Liên Hợp Quốc đặt tại New York, vị CEO 31 tuổi đã chia sẻ rằng Internet không chỉ là một mạng lưới hay một loại máy móc vô hồn, nó là chìa khóa quan trọng trong xã hội và quá trình phát triển kinh tế thời đại ngày nay.
Một dòng chia sẻ trạng thái hay những nút like không thể ngăn cản bước tiến xe tăng hay những vụ nổ súng, nhưng khi con người kết nối với nhau, chúng ta sẽ có cơ hội gây dựng một cộng đồng chung toàn cầu trên nền tảng của sự thấu hiểu giữa người với người.
Tuy nhiên, vị CEO quyền lực này vẫn chưa cụ thể hóa kế hoạch đem Internet và Facebook tới hàng nghìn con người đang phải sống trong các trại tị nạn ra sao.
Có một sự thật thú vị rằng, phần lớn người dân di cư đến từ đất nước Syria, nơi mà từ trước đến nay, mạng xã hội Facebook lại bị cấm sử dụng.
Theo ước tính từ năm 2011, đã có bốn triệu người dân Syria phải rời khỏi quê hương và hiện 80 nghìn người trong số đó đang sống tại trại tị nạn Zaatari thuộc miền Bắc Jordan.
Facebook, cùng với Google, đã tập trung lắp đặt thêm nhiều vệ tinh để có thể phủ sóng Internet tới nhiều vùng miền xa xôi hẻo lánh.
Một phần trong kế hoạch xóa bỏ đói nghèo của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 chính là có thể cung cấp Internet cho mọi người dân trên trái đất vào năm 2020.