“Tôi nghĩ mình đã làm cha của khoảng 800 đứa trẻ. Con số này sẽ tăng lên 1.000 trong 4 năm tới… Tôi có con ở khắp nơi, rất nhiều nước, từ Tây Ban Nha đến Trung Quốc. Tôi thích lập kỷ lục thế giới, bảo đảm rằng không ai có thể phá vỡ”, ông nói.
Số phụ nữ sử dụng tinh trùng hiến để thụ thai ngày càng tăng, nhưng nhiều người không thể kham nổi chi phí đắt đỏ ở các bệnh viện, phòng khám tư.
Vì vậy, một số phụ nữ cầu viện đến người hiến “chui” theo kiểu gián tiếp (nhận lọ đựng tinh dịch) hoặc trực tiếp (quan hệ tình dục).
Rất ít phụ nữ đủ điều kiện thụ tinh nhân tạo theo chương trình Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh vì tiêu chuẩn rất khắt khe với nhiều phiên kiểm tra, xét nghiệm, tư vấn…
Các đơn vị y tế tư nhân có giấy phép thu phí 500-1.000 bảng Anh (16,5-33 triệu đồng) cho mỗi lần sử dụng tinh trùng của người hiến. Người hiến có đăng ký được phép làm cha sinh học không quá 10 lần.
Tuy nhiên, do không đăng ký nên ông Watson hiến thoải mái và tính phí có 50 bảng Anh (1,6 triệu đồng). Hầu hết khách hàng tìm thấy ông qua Facebook.
Họ hỏi ông có bệnh di truyền gì không, hẹn gặp mặt, đặt phòng khách sạn hoặc sử dụng nhà vệ sinh công cộng để lấy “hàng”. Ông khoe rằng, 1/3 số lần hiến “chui” của ông có hiệu quả ngay lần đầu tiên (khách hàng thụ thai luôn).
Hằng quý, ông Watson lại đến bệnh viện làm xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục rồi đăng kết quả xét nghiệm âm tính lên mạng để khách hàng tin tưởng.
Ông Watson đã hai lần kết hôn, hiện có 3 con. Sau khi cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, ông bắt đầu nghiệp hiến tinh trùng. Lý giải việc không đến ngân hàng tinh trùng, ông nói rằng, hiến kiểu tự do có thể giúp ông tăng bản ngã của mình.
Thomas, con trai 20 tuổi của ông Watson, nói rằng, anh cảm thấy rất vui khi biết thỉnh thoảng lại có một em trai hoặc em gái cùng cha khác mẹ chào đời.
Các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng tinh trùng của người hiến không đăng ký không vi phạm pháp luật, nhưng phụ nữ có thể nhiễm bệnh lây qua đường tình dục, rối loạn di truyền… hoặc những rủi ro khác.
Bà Laura Witjens, Giám đốc Quỹ Hiến Giao tử Quốc gia, nói rằng, việc cho-nhận tinh trùng kiểu này thường suôn sẻ, nhưng khi có vấn đề thì là đại họa. “Có nhiều trường hợp cho-nhận tinh trùng trở thành quấy rối tình dục hoặc hiếp dâm”, bà nói.
Ngoài ra, rắc rối có thể phát sinh từ những việc liên quan huyết thống như cưới nhau hoặc nhận họ hàng. Theo quy định của Anh, khi đủ 18 tuổi, tất cả trẻ em sinh ra từ tinh trùng hiến tặng từ năm 2005 có quyền biết danh tính người bố sinh học của mình.
Tuy nhiên, người hiến không có quyền gì, tên người hiến không được ghi trong giấy khai sinh của con. Nhưng với người hiến “chui”, họ có thể yêu cầu có quyền được làm bố, còn người phụ nữ có thể yêu cầu hỗ trợ nuôi con bất cứ lúc nào.