80% người dân Thiên Tân dùng phải muối giả
Ngày 11/8, phóng viên Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) dẫn nguồn tin từ Tổng Công ty nghề muối Trung Quốc cho hay, trong vài năm trở lại đây, Thiên Tân là thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của vấn nạn muối giả.
Kết quả điều tra được trang tin trên thực hiện trong tháng 7/2015 cho thấy, hầu hết người dân trong quận Bảo Trì (Thiên Tân) đều đã từng sử dụng phải muối giả. Thậm chí có nơi, tỉ lệ sử dụng muối giả trong dân lên đến 80%.
Loại muối giả đang được trà trộn bán ra thị trường.
Trong khi đó theo Tân Hoa xã, hiện sản lượng muối trung bình mỗi năm của Trung Quốc là 9.000 tấn, nhưng sản lượng muối ăn chỉ đạt 800 tấn, còn lại là muối công nghiệp.
Khối lượng muối giả sản xuất quá nhiều, công tác kiểm soát lỏng lẻo của các cơ quan hữu quan khiến muối giả xuất hiện tràn lan trên thị trường dưới nhãn mác “muối ăn”. Thực tế này đã khiến khối lượng cung ứng của các loại muối ăn đạt tiêu chuẩn liên tục suy giảm.
Mạng lưới sản xuất, tiêu thụ muối giả hoạt động như thế nào?
Ngày 1/7 vừa qua, cơ quan chức năng thành phố Thái Châu, tỉnh Giang Tô đã phá một đường dây sản xuất, tiêu thụ muối giả độc hại tại địa phương, thu giữ 20 tấn muối giả.
Đáng quan ngại là hoạt động phi pháp của đường dây này đã kéo dài suốt 7 năm qua và lượng muối giả đã len lỏi vào khắp các gia đình thuộc nhiều tỉnh thành, trong đó có Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, An Huy, Giang Tô...
Điều tra của cơ quan chức năng cho hay, cầm đầu đường dây trên là một người đàn ông họ Vương, ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Hằng đêm, những chiếc xe tải có nhiệm vụ đưa muối giả từ cơ sở sản xuất ở ngoại ô Bắc Kinh đến cho các đầu mối bán buôn, trong đó có cả những hộ kinh doanh tại chợ hàng hóa nông nghiệp ở thủ đô Bắc Kinh.
Các đầu mối này sau đó tiếp tục bán hoặc nhờ lái xe vận chuyển đến cho những con buôn khác.
Theo điều tra của cảnh sát, chỉ riêng tuyến đường từ Bắc Kinh đến Đài Châu đã có hơn 10 lái xe trực tiếp tham gia vào hoạt động vận chuyển muối giả.
Sau khi đưa “hàng” đến Thái Châu, các lái xe sẽ bán lại cho tiểu thương ở những nơi quản lý lỏng lẻo với giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường, từ đó hình thành nên một mạng lưới sản xuất và tiêu thụ muối giả rộng khắp.
Cơ quan chức năng đột phá xưởng sản xuất muối giả ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Nhân dân Nhật báo dẫn lời Đội phó Đội trị an, thuộc Phòng Công an thành phố Thái Châu, người trực tiếp tham gia phá đường dây này cho hay, hoạt động kinh doanh muối giả thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Trung bình một tấn muối giả có giá mua vào từ 400 đến 450 NDT/ tấn, nhưng được bán ra với giá từ 800 – 1000 NDT/ tấn dưới mác “muối ăn”. Dù vậy, so với muối ăn đạt tiêu chuẩn, mỗi kg muối giả rẻ hơn 1 NDT (tương đương gần 3.500 đồng).
Tác hại chết người của muối giả
Muối giả ở đây thực chất là muối công nghiệp kém chất lượng, chứa thành phần Natri nitrit (NaNO₂) - một chất độc hại được sử dụng để giữ sắc và sát trùng trong công nghiệp, mà không chứa muối i ốt hay kali iodat.
Mặc dù có vị giống như muối ăn, song thành phần NaNO₂ trong loại muối này vô cùng độc hại, bởi chúng có chứa độc tố. Ngoài ra, muối công nghiệp nhiều khả năng còn chứa chì, thủy ngân... Dùng lâu, người sử dụng sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nếu ăn phải loại muối này, sau 1-2 giờ đồng hồ, người sử dụng sẽ xuất hiện trạng thái nhiễm độc như: chân tay bủn rủn, đau đầu chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, hôn mê thậm chí là tử vong.
Dù vậy, không ít người dân Trung Quốc vẫn đang chấp nhận dùng muối giả, chỉ đơn giản là bởi chúng rẻ và đôi khi là không biết đâu là muối thật để mua.
Đó là chưa kể đến những cơ sở gia công rau, dưa muối, các quán cơm ... cũng chọn loại muối này để tiết kiệm chi phí. Đó là lý do vì sao, những con buôn muối giả chẳng lo hết đường làm ăn.