Một chân chạy xuyên Canada

Lê Quang |

Terrance Stanley (Terry) Fox bắt đầu cuộc “Marathon Hy Vọng” dài 7.000km, xuyên qua đất Canada cách đây 35 năm. Một mình. Và thời điểm mà người hùng đưa ra quyết tâm ấy cũng đáng nể: đêm trước khi bị cưa chân phải.

Khác hẳn nhà hàng xóm Hoa Kỳ

… lịch sử Canada trôi qua yên bình hơn nhiều, cũng do đó dân nước này có rất ít “anh hùng”. Thậm chí họ không mặn mà lắm với danh hiệu thiêng liêng đó.

Khi viết về hiện tượng Terry Fox, nhà sử học John Woodcock giải thích: “Con người vĩ đại ấy là kẻ tử vì đạo chứ không hẳn là người hùng.

Người hùng thường khiến xung quanh noi theo cách tư duy của mình, nhưng người Canada không muốn bất cứ sự áp đặt nào”.   

Trằn trọc trong đêm trước khi lên bàn mổ để cưa chân, chàng trai Terry Fox 18 tuổi chốt xong kế hoạch: anh sẽ là người Canada lắp chân giả đầu tiên đi từ bờ Đại Tây Dương, vượt qua 7.000km trên đất Canada để đến tận bờ Thái Bình Dương.

Giải lao trên xe chở thực phẩm đi theo

 Cha mẹ Fox ngậm ngùi lắng nghe và cho rằng đó là một ước mơ đáng trân trọng nhưng phi lý của đứa con trai bị ung thư. 3 năm sau, con trai họ bắt đầu chuyến đi sẽ đưa anh lên tượng đài anh hùng dân tộc.

Ngày 12/4/1980, Fox nhúng chiếc chân giả xuống làn nước lạnh ngắt của bờ biển Đại Tây Dương trước khi lên đường. Dưới ống quần ngắn có thể thấy rõ chiếc chân giả bằng thép và sợi thủy tinh.

Fox mặc T-shirt trắng in chữ “Marathon Hy Vọng” và chỉ nói một câu ngắn trước báo chí: “Tôi muốn thử làm một việc không ai tin để chỉ ra là có thể làm được, để chứng minh tôi không tàn phế  hoặc thua kém”.     

Terrance Stanley Fox ra đời ở Winnipeg trong một gia đình công nhân, mới 10 tuổi phải đi hái dâu, phụ cho bố mẹ kiếm thêm tiền nuôi 4 người con.

Tuy nhỏ người nhưng Fox giành được một chân trong đội bóng rổ của trường trung học, chơi cả bóng đá và bóng bầu dục, được giải “Vận động viên điền kinh của năm” cùng bạn thân là Doug Alward.

Khi viết đơn xin vào Đại học Simon Frasier, anh bắt đầu thấy đau trong chân phải. Khi cha mẹ anh đưa con trai đến bệnh viện, đối với một chàng trai 18 tuổi thì có lẽ không tin nào xấu hơn: osteosarcoma, một loại ung thư hủy hoại xương.

Các bác sĩ an ủi gia đình. Cưa chân và hóa trị chừng một năm là ổn, cơ may sống sót của bệnh nhân osteosarcoma từ 50-70%.

Một tuần sau

… chân phải của Fox bị cưa đến 16cm trên đầu gối. Trước khi phẫu thuật, anh đọc tạp chí thể thao Runner’s World do HLV bóng rổ tặng và biết đến một người New York tham gia marathon dù chỉ có một chân.

Fox quyết định một hành trình mang tên “Marathon Hy Vọng” để củng cố lòng tin cho những người cùng cảnh ngộ.

16 tháng hóa trị khiến tóc rụng hết và cơ thể lực lưỡng của Fox trở nên hom hem, nhưng vẫn không buồn thảm như phải chứng kiến các bác sĩ giải thích cho trẻ em thế nào là cơ may sống sót 10%, những tiếng la hét trong đêm, hay hàng trăm khuôn mặt u sầu đi lại trong khuôn viên.

Khi ra viện, anh biết là hai phần ba bệnh nhân trong số đó sẽ rời tòa nhà này qua đường nhà xác. Vậy cuộc “Marathon Hy Vọng” sẽ được gánh thêm sứ mệnh mới: quyên tiền cho nghiên cứu ung thư.     

Terry Fox trên đường “Marathon Hy Vọng” dọc quốc lộ Trans-Canada

Hai năm sau khi mổ, Fox bắt đầu tập chạy, thoạt tiên anh chạy trong đêm để không ai nhìn thấy.

Kỳ vọng của Fox là chạy 7 tháng hết 7.000km dọc đường quốc lộ Trans-Canada Highway. Nghĩa là mỗi ngày khoảng 42km, đúng như một cuộc marathon đơn lẻ. Để trang trải phí tổn, Fox đi tìm nhà tài trợ.

Một chuỗi khách sạn cho anh ngủ miễn phí. Nhiều siêu thị biếu phiếu thực phẩm. Adidas tặng toàn bộ trang phục. Và Công ty Ford cung cấp một chiếc xe bus loại nhỏ để chở đồ ăn thức uống, do bạn thân của Fox là Doug Alward lái theo.

Tuy cả hai xuất phát đúng hạn, ngay những tuần đầu họ đã bị lệch kế hoạch vì điều kiện thời tiết bất lợi. Dự tính thuyết trình dọc đường để quyên tiền của Fox liên tục thất bại, và mọi bực dọc đổ hết lên đầu người duy nhất ở gần là Doug Alward. Họ cãi nhau như cơm bữa.

Cũng vì Doug Alward dần dần ngán ngẩm với công việc - tiếp tế nước rồi lại đi trước một dặm, ngồi đợi, tiếp nước rồi đi tiếp một dặm… Khi sự bất hòa lên đỉnh điểm, em trai Terry Fox phải xin nghỉ học để đi cùng.

Cuộc chạy từ thiện Terry Fox Run lan ra hơn 50 quốc gia, cả ở Việt Nam

73 ngày đầu tiên trôi qua

… Khi đến Montreal họ mới thực sự được nghỉ cả một ngày. Không khí giữa những người bạn tốt dần lên, một phần cũng vì báo chí đưa tin đến từng hang cùng ngõ hẻm và Fox thu được nhiều tiền quyên góp.

Đi đến đâu Fox cũng được chào đón, và Thủ tướng Canada đích thân ra chào anh ở Ottawa. Riêng ở Toronto, chỉ trong một ngày Fox quyên được 100.000 dollar.

Không báo nào biết được những đau đớn thể xác của Terry Fox. Chân anh cọ xát ứa máu từ những ngày đầu. Và mùa Hè Canada không kém châu Phi.

Ngày thứ 142, khi Fox vừa ra khỏi thành phố Thunder Bay, một trận ho dữ dội khiến Fox gần như bất tỉnh. Khi gọi Alward để vào bệnh viện gần nhất, Fox linh cảm đó là ngày marathon cuối cùng của mình. Sau 5.373km.

Chiều hôm sau, 2/9/1980, Fox xuất hiện trước cuộc họp báo và cho biết, ung thư đã di căn đến phổi và buộc anh phải chấm dứt hành trình. Bi kịch. Nhưng chính tin này đã đem lại làn sóng quyên góp cuối cùng.

Một buổi hòa nhạc với Elton John và Anne Murray trên truyền hình đem lại 10,5 triệu dollar. Đến tháng 2/1981, tổng số tiền thu được là 24,17 triệu - con số kỷ lục này được ghi nhận trong sách Guinness.

Khi Terry Fox qua đời ngày 28/6/1981 trong vòng tay gia đình, cả nước Canada treo cờ rủ để tưởng nhớ một người hùng dân tộc.

Từ đó trở đi, tháng 4 hàng năm ở Canada và nhiều nước có cuộc chạy mang tên Terry Fox Run, mỗi lần quyên được hàng triệu dollar cho nghiên cứu ung thư...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại