"Ly miêu hoán Thái tử" và những thủ đoạn đẫm máu chốn cung đình

Trần Quỳnh |

Vụ án “Ly miêu hoán Thái tử” từ lâu đã được nhắc tới như một câu chuyện đầy tai tiếng miêu tả lại những thủ đoạn tàn ác trong chốn cung đình Trung Hoa.

Câu chuyện "Ly miêu hoán Thái tử" được lưu truyền sớm nhất qua tạp kịch “Kim thủy kiều trần lâm bão trang hạp”, sau còn được đưa vào cuốn tiểu thuyết “Tam hiệp ngũ nghĩa” nổi tiếng Thanh triều.

Không ít người tin rằng, “Ly miêu hoán thái tử” có liên quan tới thân thế của Tống Nhân Tông Triệu Hằng, cũng là một trong những kỳ tích phá án nổi tiếng nhất của Bao Thanh Thiên. Nhưng sự thật liệu có phải như hậu thế vẫn nghĩ?

Dùng “yêu nghiệt” đánh tráo long thai

Giai thoại nổi tiếng nhất về “Ly miêu hoán thái tử” lấy bối cảnh từ hậu cung Tống triều. Tương truyền rằng: năm xưa, Lưu Hoàng hậu và Lý Thần phi của vua Chân Tông cùng mang thai.

Đến kỳ sinh nở, Lưu thị hạ sinh được một công chúa nhưng không may chết yếu. Trong khi đó, Lý Thần phi lại sinh được một hoàng tử.

Sau đó, Lưu Hoàng hậu cùng nội giám Quách Hòe hợp mưu, lột da một con báo để đánh tráo với hoàng tử mới sinh của Lý Thần phi, khiến Thần phi vì “sinh ra yêu nghiệt” mà bị đầy vào lãnh cung.

Một thời gian sau, Lý thị bị đuổi ra khỏi cung, lưu lạc nhân gian. Con trai bà được phong làm Thái tử, thậm chí tới lúc kế vị vẫn không hay biết về mẹ ruột của mình.

Sau khi Triệu Hằng kế vị, Bao Chửng được lệnh xét xử vụ án Quốc cữu Bàng Dục tham ô hàng cứu trợ cho nạn dân. Trong quá trình điều tra, Bao Chửng đồng thời phá được vụ án oan của Lý Thần phi năm xưa, sau đó cung nghênh Lý phi hồi kinh.

Tuy nhiên, quan điểm xuất phát từ giới sử học Trung Quốc lại cho rằng việc “Nhân Tông nhận mẹ” không hề liên quan tới Bao Thanh Thiên.


Vụ án Ly miêu hoán Thái tử vẫn được xem là một trong những kỳ tích phá án nổi tiếng của Bao Thanh Thiên. (Ảnh minh họa).

Vụ án "Ly miêu hoán Thái tử" vẫn được xem là một trong những kỳ tích phá án nổi tiếng của Bao Thanh Thiên. (Ảnh minh họa).

Dựa theo nhiều tư liệu lịch sử còn ghi chép lại, vụ án trên xảy ra vào năm 1032. Tuy nhiên, Bao Chửng lúc đó vẫn là dân thường, phải tới năm Nhân Tông Cảnh Hữu thứ tư (1037) mới thi đỗ Tiến sĩ ở tuổi 29.

Khi đó, ông được cử tới huyện Kiến Xương nhậm chức, sau lại vì hiếu kính với cha mẹ mà trở về quê nhà (An Huy) làm quan. Gần 10 năm sau, khi phụ mẫu đều khuất núi, Bao Chửng mới tới Thiên Trường nhậm chức khi tuổi đã gần 40.

Trong suốt chặng đường quan trường của Bao Thanh Thiên, có thể thấy rõ ông chưa từng đặt chân đến kinh thành, sao có thể giúp Nhân Tông tìm kiếm mẹ ruột?

Chuyện có thật hay chỉ là lời đồn của hậu thế?

Một dòng quan điểm khác lại khẳng định trong lịch sử Trung Hoa không hề tồn tại sự kiện “Ly miêu hoán Thái tử”. Đây chỉ là một giai thoại xuất phát từ thân thế của Tống Nhân Tông mà thôi.

Nhiều nguồn sử liệu khẳng định Tống Nhân Tông vốn không phải là con ruột của Hoàng hậu mà do một cung nữ của Lưu Đức phi là Lý thị sinh thành, được Đức phi thu nhận làm con.

Sau này, Hoàng tử lên ngôi, sử cũ gọi là Tống Nhân Tông. Lưu Đức phi cũng nhờ vậy mà trở thành Hoàng Thái hậu.


Giai thoại Ly miêu hoán Thái tử từng đi vào nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật của Trung Hoa. (Tranh minh họa).

Giai thoại "Ly miêu hoán Thái tử" từng đi vào nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật của Trung Hoa. (Tranh minh họa).

Bản thân Nhân Tông không hề biết mẹ đẻ của mình là Lý thị, triều thần cũng không ai dám nói. Nhưng Lưu Thái hậu là người nhân từ, phong mẹ ruột của vua làm Thần phi. Sau khi Lý thị qua đời, bà còn an táng Thần phi bằng nghi thức dành cho Hoàng hậu.

Không lâu sau đó, Lưu Thái hậu cũng giã từ trần thế. Tới lúc này, quần thần mới có kẻ gièm pha, dâng tấu cho Nhân Tông: “Bệ hạ do Lý Thần phi sinh hạ, thần phi chết oan uổng.”

Nhân Tông vô cùng giận dữ, muốn tru di cả gia tộc họ Lưu. Nhưng may mắn lúc đó linh cữu của Thần phi vẫn còn, Nhân Tông mở ra xem, thấy trang phục và đồ tùy táng đều dành cho Hoàng hậu mới tin tưởng Lưu Thái hậu không hại chết mẹ ruột của mình.

Sự kiện của Tống triều, nguyên mẫu lại thuộc Minh triều

Quan điểm thứ ba về “Ly miêu hoán Thái tử” cho rằng: bối cảnh phát sinh ở Tống triều chỉ là hư cấu, nhân vật nguyên mẫu của giai thoại này thuộc về một quý phi họ Vạn sống vào thời nhà Minh.

Theo đó, hình tượng kẻ chủ mưu trong “Ly miêu hoán Thái tử” được xây dựng dựa trên Vạn Quý phi của vua Minh Hiến Tông.


Nhiều người cho rằng nguyên mẫu Lưu phi thủ đoạn trong Ly miêu hoán Thái tử có nguyên mẫu xuất phát từ Vạn Quý phi. (Tranh minh họa).

Nhiều người cho rằng nguyên mẫu Lưu phi thủ đoạn trong "Ly miêu hoán Thái tử" có nguyên mẫu xuất phát từ Vạn Quý phi. (Tranh minh họa).

Sinh thời, Vạn thị lớn hơn nhà vua 17 tuổi, nhưng vẫn được Hiến Tông sủng ái hết mực. Vào năm Thành Hóa thứ hai (1466), Vạn Quý phi sinh được một Hoàng tử. Năm lên 2 tuổi, Hoàng tử không may yểu mệnh, Vạn thị tuổi tác đã cao, không thể tiếp tục sinh con.

Minh Hiến Tông dù sủng ái Quý phi, nhưng thân là Thiên tử không thể không có người nối dõi, do đó liền sủng hạnh nhiều phi tần khác trong cung.

Tuy nhiên, chỉ cần bất cứ cung phi nào có thai, Vạn thị đều hạ độc thủ, nhẹ thì ép phải sảy thai, nặng thì thẳng tay hại chết cả mẹ lẫn con. Minh Hiến Tông nhờ vị “ái phi” này mà trước sau vẫn chưa có người nối dõi.

Một lần, Hiến Tông tới nội kho, nhìn thấy nữ quan họ Kỷ có tư chất hơn người thì thuận mắt, liền sủng hạnh nàng. Nhưng hậu cung có tới ba nghìn mỹ nữ, chỉ vài ngày sau đó, Hoàng đế đã quên Kỷ thị. May mắn thay, vị nữ quan này lại đậu long thai.

Khi bụng của Kỷ nữ quan lớn dần, Vạn Quý phi cũng phát hiện, sai tỳ nữ đưa thuốc sảy thai tới. Tỳ nữ của bà không nỡ làm việc ác, liền nói dối Quý phi rằng Kỷ thị mắc bệnh trướng bụng.

Dù vậy, Vạn thị vẫn không bỏ qua cho tình địch, hạ lệnh ép Kỷ nữ quan tới An Nhạc cung. Cung An Nhạc vốn là nơi ở cho các cung nữ bị bệnh khó chữa trong cung, nay Kỷ thị bị phái tới nơi này, việc gặp lại Hoàng đế gần như là không thể.

Trong thời gian đó, Kỷ thị sinh ra một bé trai ốm yếu. Thái giám Trương Mẫn đối với Hiến Tông luôn trung thành, tận tâm, biết được việc này đã liều mạng bảo vệ Hoàng tử duy nhất của Hoàng đế.

Nhưng Vạn Quý phi thế lực quá lớn, cả hai người liền quyết định gửi gắm Hoàn tử cho Phế Hậu Ngô thị nuôi nấng.


Phải chăng chính những thủ đoạn tàn độc của Vạn thị là nguyên mẫu cho bi kịch đánh tráo Thái tử nổi tiếng Trung Hoa? (Ảnh minh họa).

Phải chăng chính những thủ đoạn tàn độc của Vạn thị là nguyên mẫu cho bi kịch đánh tráo Thái tử nổi tiếng Trung Hoa? (Ảnh minh họa).

Trải qua 6 năm, Hoàng tử khó khăn lớn lên. Một ngày, Minh Hiến Tông sai Trương Mẫn chải tóc cho mình. Khi nhìn vào gương, ông thở dài nói: “Trẫm tuổi tác đã tới ba mươi, cũng sắp già rồi, nhưng đến nay vẫn chưa có nổi một đứa con trai.”

Trương Mẫn thấy Hoàng đế u sầu, không kìm lòng được mà dập đầu nhận tội: “Lão nô đáng chết, kỳ thực Vạn Tuế gia (chỉ Hoàng thượng) từ lâu đã có con trai.”

Trương Mẫn đem đầu đuôi sự việc tâu với Hiến Tông. Nhà vua vừa nghe được đã hết sức vui mừng, hạ lệnh triệu kiến Hoàng tử, sau đó đặt tên cho con trai là “Hữu Đường”.

Sau khi thân phận của Hoàng tử được công khai, Kỷ thị bị Vạn Quý phi ép chết. Nhiều lần mưu hại Hữu Đường không thành, Vạn thị cũng vì tức giận mà qua đời.

Không lâu sau, Minh Hiến Tông cũng nối gót ái phi buông tay trần thế. Chu Hữu Đường thuận lợi kế vị, sử cũ gọi là Minh Hiếu Tông.

Những thủ đoạn tàn ác của Vạn thị trong hậu cung và thân thế của Chu Hữu Đường được nhiều người coi là nguyên mẫu trong giai thoại “Ly miêu hoán Thái tử” nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại