Triệu thị (không rõ tên thật, năm sinh), người gốc Trường An, là thê tử kết tóc của Đường Trung Tông Lý Hiển. Sinh thời, nàng mang trong mình dòng máu hoàng tộc, xuất thân hiển hách với dòng họ nhiều đời làm võ tướng.
Ông nội của Triệu thị là Triệu Xước, trong những năm Vũ Đức (thời Đường Cao Tổ) từng lập vô số chiến công, được thăng làm Hữu lãnh Vệ tướng quân.
Phụ thân của nàng là danh tướng Triệu Côi, làm quan tới chức Tả thiên Ngưu tướng quân. Mẹ ruột Triệu thị là Thường Lạc công chúa – con gái thứ 19 của Đường Cao Tổ Lý Uyên.
Khi Lý Hiển còn là Anh Vương, Triệu thị được gả vào phủ, trở thành Anh Vương phi. Mối hôn sự này do chính Đường Cao Tông Lý Trị đặc biệt chỉ định.
Chiếu theo vai vế, Triệu thị và Cao Tông Lý Trị là quan hệ anh em họ hàng. Nói cách khác, cuộc hôn nhân của nàng cùng Lý Hiển chính là đám cưới giữa biểu cô và cháu họ.
Thuở thiếu thời, mẹ của Triệu thị là Thường Lạc công chúa thường xuyên ra vào cung cấm, chơi rất thân với vua Cao Tông. Nay lại thêm hôn sự này khiến mối quan hệ giữa hai người ngày càng khăng khít.
Võ hậu vì vậy vô cùng bất mãn. Chính vì hận vị công chúa này, Võ Tắc Thiên thẳng tay quay sang đày đọa con của Trường Lạc, cũng chính là con dâu Triệu thị của mình.
Chỉ vì không vừa mắt thông gia, Võ hậu sẵn sàng trút giận lên chính con dâu. (Tranh minh họa).
Năm Thượng Nguyên thứ 2 (năm 675), Võ hậu lấy lý do Triệu thị thiếu cung kính để phế truất chức vị Vương phi của nàng, sau đó hạ lệnh giam lỏng trong Nội thị tỉnh. Từ một thiên kim có xuất thân cao quý, Triệu thị bị bức ép trở thành một nữ tù.
Vẫn chưa thỏa mãn mối hận của mình, Võ Tắc Thiên còn sai người thay cơm nước của nàng bằng thức ăn sống. Ngay đến tù nhân còn được ăn cơm chín, nhưng Triệu thị ngày ngày phải chịu cảnh đói rét, khổ cực chỉ vì không vừa mắt mẹ chồng.
Những ngày đầu bị giam lỏng, Triệu thị liên tục khóc lóc, kêu than. Nàng ngày đêm trông ngóng phu quân Lý Hiển và cha mẹ ruột tới cứu mình. Nhưng trong cảnh biệt giam, Triệu thị chỉ có thể “trông mòn con mắt, kêu mòn cổ họng” mà trời không thấu, đất không hay.
Mấy ngày sau đó, không ai còn nghe thấy tiếng nàng la hét, than khóc. Người trông coi thấy yên tĩnh bất thường, liền mở cửa vào xem. Khi ấy, Triệu thị đã tắt thở từ bao giờ, thân thể cũng bắt đầu rữa nát.
Vì Võ hậu chỉ cấp cho nàng đồ ăn sống, Triệu thị mới chết vì đói rét. Năm sinh của vị Vương phi đoản mệnh này đến nay vẫn không rõ, nhưng áng chừng khi qua đời, nàng chỉ xấp xỉ tuổi 20.
Một thiên kim xinh đẹp, trẻ trung xuất thân thế gia, lại mang trong mình dòng máu hoàng tộc, nay chỉ vì mối hận nhỏ nhen của mẹ chồng với mẹ đẻ mà bị đẩy vào đường chết, quả thực khiến hậu thế không khỏi xót xa.
Gia thế hiển hách cùng dòng máu hoàng tộc vẫn không thể cứu Triệu thị thoát khỏi sự triệt hạ của mẹ chồng. (Tranh minh họa).
Sau khi con dâu qua đời, Võ Tắc Thiên sai người “tùy tiện tìm một chỗ để chôn cất qua loa”. Lẽ ra Triệu thị phải được hưởng nghi thức tang lễ dành cho một Vương phi, nhưng Võ hậu lại mai táng nàng chẳng khác nào những cung nữ vô danh tiểu tốt.
Hành động ấy trái với cung quy, nhưng không một ai dám truy cứu. Sau đó, vị Hoàng hậu họ Võ này tìm cớ đẩy “thông gia” là Triệu Côi cùng công chúa Thường Lạc đến Hoạt Châu. Những hành động này chính là minh chứng cho quyền lực “một tay che trời” của Võ Tắc Thiên lúc bấy giờ.
Con ruột chết trong tay Võ hậu khiến Thường Lạc công chúa uất hận thấy xương. Sau khi Võ Tắc Thiên lên ngôi, cha của Triệu thị là Triệu Côi khởi binh cùng Việt Vương Lý Trịnh.
Sự việc bất thành, Lý Trịnh và Triệu Côi đều bị khép vào tội mưu phản, phải lĩnh án tử. Thường Lạc công chúa cũng vì chịu án liên đới mà vong mạng.
Năm Thần Long thứ nhất ( năm 705), Đường Trung Tông Lý Hiển một lần nữa ngồi lên đế vị, đích thân sửa lại án xử sai cho hoàng tộc. Triệu thị được Hoàng đế truy phong làm Hoàng hậu, Triệu Côi cũng được truy tặng danh hiệu Tả Vệ Đại tướng.
Sau khi Trung Tông qua đời, Đường Duệ Tông nối ngôi, an táng tiên vương tại Định Lăng. Các đại thần cho rằng Vi Hoàng hậu có tội (Vi thị là người vợ tiếp theo của Trung Tông), không thể hợp táng.
Vì vậy, Triệu thị được truy phong là Hòa Tư Hoàng hậu. Tuy không biết mộ địa của nàng cụ thể ở nơi nào, nhưng bài vị của Triệu thị vẫn được tổ chức nghi lễ hợp táng cùng tiên đế.