Cựu nữ thực tập sinh Nhà Trắng nói về sự ác độc trên mạng

Việt Phương |

Cô thực tập sinh Nhà Trắng năm nào Monica Lewinsky đã phá vỡ mọi sự im lặng sau một thập kỷ khi kể về những gì đã nếm trải sau vụ lùm xùm với cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Monica  Lewinsky phát biểu tại TED 2015 - Ảnh: Reuters
Monica Lewinsky phát biểu tại TED 2015 - Ảnh: Reuters

Mới đây, Lewinsky đã có bài nói chuyện dài gần 20 phút trên sân khấu TED ở Vancouver (Canada), nơi cô đưa ra vấn đề văn hóa nhức nhối về tình trạng lăng mạ nhau như một món hàng thường ngày.

“Cái giá của sự ô nhục” là tiêu đề của bài nói chuyện và có lẽ cũng là sự tổng kết những điều cô từng trải qua.

Với phong thái tự tin và đĩnh đạc trước đám đông gần 1.400 người trong hội trường, Lewinsky kể: “Ở tuổi 22, tôi đã phải lòng sếp của mình. Và năm tôi 24 tuổi, tôi đã nếm trải những hậu quả thảm khốc”.

Người ta hẳn nhớ đến một cô thực tập sinh 22 tuổi Lewinsky, người bị bạn bè phản bội, bị đe dọa bỏ tù và tệ hơn là từng bị làm trò cười cho thiên hạ. New York Times cho hay trong 10 năm qua, cô gần như tránh xa thị phi.

Ai cũng có sai lầm thời trẻ

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton ôm Monica Lewinsky lúc cô 23 tuổi - Ảnh: Dailymail

“Cũng như tôi, ở độ tuổi 22, vài người trong số các bạn có thể sai đường lạc lối khi yêu lầm người. Ngay cả khi đó là sếp của bạn.

Nhưng không giống tôi, sếp của bạn có thể không phải là tổng thống Mỹ - Lewinsky tiếp tục kể giữa không gian lặng như tờ của khán phòng - Không một ngày nào trôi qua mà tôi không nhớ lại những lỗi lầm và trong sâu thẳm tôi hối tiếc về lỗi lầm ấy”.

Năm 1998, sau khi bị dính vào bê bối tình ái, Lewinsky đã bị cuốn vào tâm điểm của vòng xoáy chính trị, pháp lý và truyền thông mà chúng ta chưa từng chứng kiến. 

Vụ bê bối với tổng thống Mỹ Bill Clinton bắt đầu cơn chấn động trên mạng khi nó bị rò rỉ lên trang web Drudge Report.

“Đó là lần đầu tiên tin tức truyền thống bị Internet lấn át về một câu chuyện đình đám. Một cú nhấp chuột chấn động thế giới”, Lewinsky tâm sự.

“Với sự trợ giúp của công nghệ, câu chuyện được người ta đem ra phán xét, dẫn tới việc đám đông ném đá trên mạng” - Lewinsky kể lại và nói thêm rằng trước khi mạng xã hội xuất hiện thì người ta vẫn có thể bình luận trên mạng, gửi e-mail về câu chuyện và cả những câu chuyện đùa ác ý.

Hình ảnh của cô xuất hiện khắp nơi để đảm bảo bán được báo và quảng cáo trên trang web cũng như để giữ người ta dán mắt vào màn hình tivi.

“Tôi thừa nhận tôi đã sai lầm. Nhưng sự chú ý và đánh giá mà tôi nhận được là chưa từng có”, Lewinsky nói.

Sau một đêm, Lewinsky đã biến thành đối tượng bị công chúng nhục mạ. Cô đã xuất hiện trên trang bìa của mọi tờ báo.

Cô bị biến thành trò cười. Cô bị gán cho những cái tên tệ hại và nặng nề như “đĩ thõa, gái điếm, lẳng lơ,…”.

"Ném đá" trên mạng trở nên phổ biến

Vụ lùm xùm giữa Bill Clinton  và Lewinsky cũng đã khiến bà Hillary Clinton không ít phen lao đao - Ảnh: People

“Bối cảnh trở nên đáng buồn với nhiều trường hợp như tôi hơn. Hậu quả đối với một số người thật tồi tệ, rất tồi tệ”, cô tâm sự.

Cũng năm 2010, Lewinsky đã nói chuyện với mẹ qua điện thoại về trường hợp tân sinh viên Tyler Clementi của trường đại học Rutgers phải nhảy cầu tự tử ở tuổi 18 sau khi bị bạn cùng phòng quay trộm cảnh “thân mật” với một người đàn ông.

Khi đoạn phim bị tung lên mạng, những trò đùa và bắt nạt trên mạng nảy sinh.

Ngày nay, quá nhiều bậc phụ huynh không có cơ hội can thiệp để cứu con mình. Quá nhiều người biết được con mình chịu đau khổ và bị làm nhục khi đã quá trễ Monica  Lewinsky

Cô nói tiếp: “Mỗi ngày lên mạng, người dùng Internet, đặc biệt là người trẻ không được trang bị tâm lý để đối phó những điều này, bị ngược đãi và sỉ nhục đến nỗi họ không tưởng tượng được mình có thể sống tiếp ngày mai và bi kịch hơn, một số không thể vượt qua”.

Monica ví von sự xâm phạm người khác là nguyên liệu thô, được khai thác hiệu quả và nhẫn tâm, được đóng gói và bán kiếm lời.

“Một thị trường nổi lên nơi mà sự lăng mạ tập thể là một món hàng và sự ô nhục là một nền công nghiệp. Tiền được kiếm bằng cách nào? Những cú nhấp chuột...

Càng ô nhục thì càng nhiều cú nhấp chuột. Càng nhấp chuột thì càng nhiều tiền quảng cáo. Chúng ta đang ở trong một vòng quay nguy hiểm.

Một số người đang làm tiền đằng sau sự đau khổ của người khác. Với mỗi cú nhấp chuột, chúng ta hãy có sự lựa chọn”, Lewinsky nói trong bài phát biểu.

Một phân tích ở Hà Lan lần đầu tiên cho thấy bắt nạt trên mạng dẫn tới ý định tự tử cao hơn đáng kể so với bắt nạt ngoài đời thực.

Monica cho rằng khi xưa tiếng xấu chỉ đồn xa tới mức độ gia đình, làng xóm, trường học nhưng giờ đây nó lan tới toàn bộ cộng đồng mạng.

“Hàng triệu người, thường là ẩn danh, có thể đâm bạn bằng câu chữ và điều đó rất đau đớn”- cô nói.

Quyết định khôn ngoan?

Monica Lewinsky - Ảnh: theguardian

Bài nói chuyện của Lewinsky đến đúng lúc.

Theo New York Times, diễn viên Mỹ Ashley Judd đã tuyên bố ý định kiện những người dùng trên mạng xã hội Twitter đã quấy rối và đe dọa cô. Các nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) dẹp nạn quấy rối trên mạng.

Sau bài nói chuyện của Lewinsky đã có những lo ngại về những bình luận không hay ho trên Twitter. Nhưng như New York Times cho biết, đa số phản ứng trên mạng và đám đông lại là tích cực.

Nhà đầu tư nổi tiếng Chris Sacca gọi bài nói chuyện của Lewinsky là “một trong những bài phát biểu tuyệt nhất, can đảm nhất tại TED”.

Nhà biên kịch Shonda Rhimes, tác giả loạt phim truyền hình Scandal viết trên Twitter ủng hộ bài nói chuyện. Nhà nghiên cứu Amy Cuddy thuộc trường đại học Harvard ca ngợi: “Cô ấy dũng cảm một cách phi thường”.

Gần cuối bài phát biểu, Lewinsky khẳng định: “Lăng mạ tập thể là một môn thể thao đẫm máu cần chấm dứt. Đã đến lúc có một sự can thiệp vào Internet và văn hóa của chúng ta”.

Đối với những nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, cô khuyên: “Bạn có thể vượt qua nó. Tôi biết sẽ khó khăn nhưng bạn có thể đặt một cái kết khác cho câu chuyện của chính mình”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại