Người đàn ông với cuộc đời chìm trong bí ẩn
Người leo núi đó trông như đang ngủ. Anh nằm nghiêng về một bên, nấp dưới cái bóng của một khối đá. Anh đã kéo mũ lên che lấy gương mặt, đôi tay khoanh trước ngực như để chống lại cái lạnh.
Đôi chân duỗi dài ra gần lối đi, buộc mọi người đi ngang phải bước qua đôi giày màu xanh sáng của anh.
Người leo núi này có tên Tsewang Paljor, nhưng phần lớn những người từng đi ngang qua đều gọi anh bằng cái tên khác là Giày xanh.
Trong gần 20 năm, thi thể anh, nằm cách không xa đỉnh Everest, đóng vai trò điểm đánh dấu rùng rợn, cho những người tìm cách chinh phục nóc nhà thế giới từ mặt phía Bắc.
Nhiều người có thể đã mất mạng trong hành trình và như Paljor, đa số họ sẽ nằm lại trên ngọn núi. Thi thể của Paljor khác với những người còn lại ở chỗ nó rất nổi tiếng.
“Tôi muốn nói rằng gần như mọi người, đặc biệt là những người lên từ mặt phía Bắc, đều biết về Giày xanh, đã đọc về Giày xanh hoặc nghe ai đó khác nói về anh” - Noel Hanna, người từng lên đỉnh Everest tới 7 lần, cho biết .
“ Khoảng 80% người lên đỉnh Everest đều đã nghỉ chân tại nơi Giày xanh nằm và rất khó để quên hình ảnh của anh”.
Tuy nhiên, điều gây kinh ngạc là người ta lại biết rất ít về cuộc sống riêng của anh.
Gõ chữ “Green Boots” (Giày xanh) vào công cụ tìm kiếm Google và bạn sẽ biết rằng Paljor, cùng với các bạn leo núi Tsewang Smanla và Dorje Morup, đã thiệt mạng trong một cơn bão hình thành năm 1996 - một sự kiện đã được bất tử hóa tại cuốn Into Thin Air lừng danh của tác giả Jon Krakauer.
Trang Wikipedia thì cho biết anh là thành viên lực lượng biên phòng Indo-Tibetan của Ấn Độ và mới chỉ 28 tuổi khi mất mạng trên đỉnh Everest.
Thi thể Paljor cạnh cung đường lên đỉnh Everest, vẫn được biết tới với tên Giày xanh.
Thông tin ít ỏi về cuộc đời Giày xanh hẳn sẽ khiến người ta phải tò mò, đặc biệt là các bối cảnh đã khiến anh phải nằm lại trên đỉnh Everest trong quá nhiều năm như vậy.
Nhằm giải đáp những thắc mắc ấy, ký giả Rachel Nuwer đã lần ngược lại cuộc đời đặc biệt của Giày xanh, bằng cách tìm về nơi anh sinh ra và trò chuyện với những người từng quen biết anh.
Cuộc gặp gỡ cuối cùng
Tsewang Paljor sinh ngày 10.4.1968 tại vùng Ladakh của Ấn Độ - một khu vực có độ cao trung bình 3.800 mét. Theo lời mẹ đẻ của anh là bà Tashi Angmo, người năm nay đã 73 tuổi, thì anh là một đứa con ngoan trong số 5 đứa con của bà.
Trong làng, Paljor từng nổi tiếng là một đứa trẻ tử tế và nhân hậu. Dù rất điển trai, Paljor lại chưa từng có bạn gái, vì tính anh rất cả thẹn.
Anh từng tâm sự với em trai rằng mình quan tâm tới việc cống hiến bản thân cho thứ gì đó lớn hơn việc kết hôn.
Là con cả trong nhà, Paljor hẳn phải cảm thấy áp lực của việc kiếm tiền nuôi gia đình - vốn đã chật vật kiếm sống từ mảnh ruộng nhỏ bé của họ.
Vì thế, sau khi học xong lớp 10, anh đã tìm cách gia nhập lực lượng biên phòng Indo-Tibetan (ITBP), vốn nằm trong vùng Ladakh.
Thành lập vào năm 1962 để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc, những người lính trong đơn vị này rất giỏi tác chiến trong môi trường độ cao lớn. Với tố chất thể lực hơn người, không có gì ngạc nhiên khi Paljor được lựa chọn.
Tashi Angmo rất ủng hộ việc con gia nhập ITBP. Nhưng Paljor cảm nhận được rằng mẹ chỉ ủng hộ mình tới thế và chắc chắn không bao giờ chấp nhận việc anh phải đi lên các đỉnh cao như Everest.
Một bức ảnh chụp Paljor khi anh còn trẻ.
Bởi vậy, khi được lựa chọn vào một nhóm người leo núi đặc biệt sẽ tham gia vào một nhiệm vụ lớn nhưng đầy rủi ro - trở thành những người Ấn Độ đầu tiên từng lên đỉnh Everest từ sườn phía Bắc - anh đã không cho mẹ biết.
“Con tôi nói dối một chút, rằng cháu sẽ leo lên một ngọn núi khác” - mẹ anh kể - “Nhưng con tôi lại nói với một số người bạn về việc nó sắp làm và câu chuyện lọt tới tai tôi”.
Với Tashi Angmo, đỉnh Everest là nơi vô cùng nguy hiểm. Bà van xin con không tham gia nhiệm vụ, còn Paljor thì thuyết phục ngược lại bà.
Người em trai Thinley Namgyal thì không lo lắng như mẹ mình. Với anh, Paljor là người mạnh mẽ nhất mà anh từng biết, một dạng “siêu nhân” ngoài đời thực.
Thinley chính là người đã gặp gỡ Paljor ở Delhi, trước khi anh lên đường chinh phục Everest, và còn chúc phúc cho anh lúc nói lời tạm biệt.
Đó là lần cuối cùng gia đình nhìn thấy Paljor còn sống.
“Các ngọn núi không giết người”
Paljor là một anh chàng trẻ trung, khỏe mạnh và rất giàu kinh nghiệm leo núi. Nhưng đỉnh Everest lại có đủ cạm bẫy để khiến ngay cả những người leo núi được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cũng có thể mất mạng.
Đó có thể là những cú ngã, những vụ lở tuyết, điều kiện môi trường và hơn thế nữa.
Cơ thể người cũng thường phản ứng lại với các tác động mà nó phải nhận trong quá trình leo núi. Những vụ đột tử - do đau tim, do đột quỵ, loạn nhịp tim bất thương, do hen suyễn hoặc tăng nặng các tình trạng bệnh đã tồn tại là chuyện thường xảy ra.
Làng Sakti, nơi Paljor chào đời.
Tình trạng thiếu oxy ở độ cao cũng có thể gây ra viêm phổi cấp tính, hoặc tình trạng mạch máu tiết dịch vào phổi, vào não người, rất nguy hiểm.
Không phải ai cũng đối mặt với các nguy cơ thiệt mạng giống nhau.
Trong một nghiên cứu về 212 cái chết do chinh phục đỉnh Everest, trải dài từ năm 1921 tới năm 2006, bác sĩ Paul Firth tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts và đồng nghiệp thấy rằng phần lớn các Sherpa chết ở độ cao thấp - phản ánh rủi ro khó tránh khi đi qua thác băng Khumbu.
Cái chết xảy ra ở độ cao lớn hơn thường liên quan tới các khách hàng và người dẫn đường tới từ phương Tây. Hơn 50% cái chết trên độ cao 8.000 mét xảy ra sau khi những người leo núi đã lên đỉnh và đang trên đường xuống.
Khi phóng viên người Mỹ Mark Jenkins lên đỉnh Everest vào năm 2012, đã có tới 5 người chết trong 1 ngày.
Các Sherpa trả lời phỏng vấn của ông cho biết phần lớn cái chết liên quan tới các khách hàng từ chối quay đầu lại khi họ đã kiệt sức.
“Các ngọn núi không giết người. Chỉ có người ta tự đoạt mạng mình mà thôi” - ông cho biết.
Ông cũng ước tính rằng có tới nửa số người tìm cách chinh phục Everest không thực sự thuộc về nơi này và họ không được chuẩn bị về cả sức khỏe, tinh thần lẫn kinh nghiệm để lên đỉnh.
Thế nhưng trên đỉnh Everest, ban đầu mọi việc diễn ra vô cùng êm thuận với Paljor và các đồng đội. Đoàn leo núi Ấn Độ khi ấy đều gồm những người thuộc hàng giỏi nhất thế giới, theo lời chỉ huy nhiệm vụ, ông Mohinder Singh.
Singh tin tưởng vào kỹ năng của Paljor, Morup và Smanla. Họ đều tới từ Ladakh và đều đã chứng tỏ bản thân ngoài thực địa.
Tuy nhiên vào giai đoạn sau, nhiệm vụ đã liên tiếp vấp sai lầm và những người lính đã không tuân theo các mệnh lệnh rõ ràng dành cho họ.
Sai lầm và bi kịch
Ngày 10.5.1996, đội leo núi Ấn Độ gặp gió mạnh và buộc phải ngủ lại trên Everest. Họ không rời khỏi Trại VI, cho tới tận 8 giờ sáng, thay vì 3h30 sáng như kế hoạch.
Do khởi đầu muộn, họ đã quyết định sửa dây thừng để chuẩn bị cho hoạt động xuống khỏi đỉnh Everest trong bóng tối, thay vì lên đỉnh trước.
Tới 14h30, đội đã tiến nhanh lên đỉnh, nhưng gió cũng bắt đầu thổi mạnh hơn. Đó là khi Singh yêu cầu những người lính của ông phải đi xuống, muộn nhất là vào 15h hôm đó. Đoàn lên đỉnh hôm ấy có 4 người, gồm cả Harbhajan Singh.
Trong ngày 10.5.1996, ông bị tụt lại so với nhóm do Paljor dẫn đầu. Khi ông ra tín hiệu cho cả nhóm quay lại theo lệnh, họ không nhìn thấy, hoặc phớt lờ mệnh lệnh của ông.
Mẹ đẻ Paljor cạnh những kỷ vật của con bà.
Mệt mỏi và bị bỏng lạnh, không còn cách nào khác, ông phải trở lại Trại VI mà không có họ. Sau này Singh nghi ngờ khao khát lên đỉnh có thể đã khiến các đồng đội không còn tỉnh táo và phải trả giá.
Về phần mình, Singh vẫn nhớ rõ những gì diễn ra trong ngày hôm đó. Lúc 15h, ông liên lạc với những người lính của mình, yêu cầu họ xuống núi vì thời tiết không còn thuận lợi và mặt trời đã sắp lặn.
Tuy nhiên Paljor và đồng đội vẫn quyết tâm lên đỉnh và không nghe theo lệnh ông.
Tới 17h35 cùng ngày, Paljor cùng đồng đội liên lạc với ông, nói rằng cả nhóm đã lên đỉnh Everest. Ngay khi hay tin, Singh rất vui, nhưng tiếp tục yêu cầu cả nhóm phải xuống ngay.
Thật không may, trận bão tuyết nổi tiếng của năm 1996 đã ập tới rất nhanh. Cố gắng kìm nén nỗi sợ, Singh động viên lính của ông, rằng họ sẽ ổn thôi, bởi đã từng đương đầu với tình trạng thời tiết tồi tệ hơn thế.
Nếu nhanh chân, họ còn có thể xuống Trại VI vào nửa đêm. Song điều này đã không diễn ra.
Theo lời Singh, trong sáng ngày 11.5.1996, một nhóm leo núi Nhật Bản đã lần lượt đi qua Morup, Smanla và Paljor khi họ đang hấp hối, nhưng không dừng lại giúp đỡ.
“Tại sao họ không nhỏ một giọt nước cho những con người ấy? Đạo đức của những người leo núi nằm ở đâu?” - cho tới ngày nay, Singh vẫn còn băn khoăn với những câu hỏi ấy.
Tuy nhiên đội Nhật Bản cung cấp một câu chuyện khác, nói rằng họ không gặp bất kỳ ai có vẻ cần sự giúp đỡ trong hành trình lên đỉnh.
Họ cũng nói rằng ở độ cao hơn 8.000 mét, mỗi người leo núi phải “tự chịu hoàn toàn trách nhiệm” cho hành động của mình, kể cả việc hành động có thể đẩy họ tới chỗ chết.
Có một thực tế là ngày hôm nay, dù Paljor chết một cách anh hùng trên đỉnh Everest cùng đồng đội, gia đình anh lại chẳng được trợ cấp gì nhiều.
Thi thể của anh vẫn nằm trên đỉnh núi, trước khi biến mất bí ẩn vào năm 2014.
Cho tới trước đó, anh vẫn được biết tới với tên gọi Giày xanh - một người leo núi xấu số vô danh mà những ai muốn chinh phục Everest phải bước qua, trên hành trình tới vinh quang riêng của họ.