Ai bảo động vật là không có tình yêu? Tình yêu giữa những con vật với nhau, có khi còn lãng mạn và khiến người ta phải ganh tị còn nhiều hơn là tình yêu giữa người và người nữa.
Cũng bởi, chúng chẳng biết tính toán vụ lợi, tình yêu của chúng là tình yêu phi vật chất, là tình cảm sâu kín nhất từ trái tim, có vậy mà thôi.
Có một đôi ngỗng nọ tại Trung Quốc, có lẽ là bạn thanh mai trúc mã, lớn lên bên cạnh nhau, tình cảm gắn bó chẳng rời.
Tưởng rằng chúng sẽ sống yêu thương nhau chẳng khi nào rời, sẽ có một ngỗng con tập tễnh theo mẹ đi tắm nước, một vài chú ngỗng khác cùng cha học gáy những tiếng đầu đời.
Thế mà ngày nọ, đôi lứa chia ly, một trong hai con bị chủ nhân buộc lên xe chuẩn bị đưa đi đâu đó.
Ngày chia ly, hai con ngỗng, một con bị trói vào hộp, bị giam hãm, bí bách vô cùng, con còn lại đứng phía bên dưới, ngước đôi mắt nhìn bạn đời chuẩn bị rời xa.
Ánh mắt lưu luyến chẳng rời, cỏ cây hoa lá, đến cả ánh nắng dường như cũng lịm bớt nhường cho đôi ngỗng một chút luyến thương.
Hai con cố rướn cổ nhìn nhau lần cuối, cọ cái mỏ vào nhau, thế là từ nay vĩnh viễn chia xa rồi.
Bức ảnh "cặp đôi ngỗng" khiến cư dân mạng Trung Quốc dậy sóng ngày Valentine.
"Tiễn nhau ra đầu thôn, đứng dưới bóng hoàng hôn, từ biệt bằng nụ hôn", người đăng tấm ảnh ngỗng chia ly bình luận trên caption ảnh.
Chỉ trong 24 canh giờ ngắn ngủi, bức ảnh đôi ngỗng chia ly đã nhận được chia sẻ tới 18 nghìn lần trên mạng xã hội cùng vô số bình luận dành cho mối tình dang dở của hai con vật thuộc họ gia cầm nổi tiếng biết trông nhà và có món ăn làm từ nội tạng rất ngon.
Một phần cũng vì ảnh được đăng đúng ngày Valentine, phần còn lại, chắc là vì tình yêu của hai con vật.
Đôi ngỗng bỗng chốc trở thành đề tài sáng tác của các nhà văn, thợ ảnh không chuyên mạng xã hội. Người ta thi nhau làm thơ, viết truyện, sáng tác cái kết cho bức ảnh.
Ai ai cũng mong đợi về một tin vui, một phép màu, dù rằng rất mong manh, là chàng và nàng, trải qua bao trắc trở chia ly, sau tất cả rồi sẽ về lại với nhau.
Các fan ngôn tình liên tục chuyền tay nhau sáng tác mang hơi hướm có hậu cho đôi ngỗng, đó là chiếc xe máy gặp tai nạn, nàng sẽ chớp thời cơ, nhanh chân tẩu thoát về với một nửa của mình, rồi lại sinh con đẻ cái viết tiếp câu chuyện tình đẹp như tranh vẽ.
Cái kết hạnh phúc do các "nhà văn" tài ba vẽ ra.
Ấy mà, đời có bao giờ thuận theo ý người. Người ta nhanh chóng tìm được thông tin về chủ nhân cặp ngỗng đẹp đôi trên, đó chính là nhà cô Đặng ở Mai Châu, tỉnh Quảng Đông.
Cái kết mà dân mạng mong chờ không hề có, chẳng còn bộ phim hạnh phúc nào nữa, chỉ còn một mối tình dang dở tang thương.
Bức ảnh hóa ra được chụp vào ngày 09/02, tức mùng 2 Tết Âm lịch. Cặp ngỗng ấy cô Đặng nuôi đã được 1 năm, nay đến ngày cần trả lễ cho họ hàng, cô phải cho ngỗng cái làm sứ giả đáp lễ.
Bố cô Đặng khi ấy phải trói con ngỗng cái lại, nhét vào hộp để nó khỏi cựa quậy.
Ngỗng đực thấy tình yêu bị người ta thắt nút buộc nơ không thể cầm lòng, dung hết sức bình sinh phá sợi dây xích cổ vội bay tới với người thương, cọ cọ dụi dụi trông vô cùng thương tâm.
Mặc dù cảm động trước hình ảnh ấy, thế nhưng phía họ hàng đã gọi điện giục giã, nhấn mạnh rằng cỗ mùng 2 phải có thịt ngỗng cái.
Gia đình cô Đặng, không còn cách nào khác phải tiễn ngỗng ra đồng. Ấy thế là, mối tình hai con ngỗng, cũng như Hàm Hương và Mông Đan, chẳng thể đến với nhau.
Nàng ra đi với sứ mệnh đem lại một cái Tết đẫm thịt, để lại chàng bơ vơ với trái tim tan nát.
Đây có lẽ là số kiếp chung khó lòng tránh nổi của họ nhà ngỗng.
Nói về con ngỗng đực, kể từ ngày tình yêu theo lửa về với lò quay đã trở nên buồn bã, phẫn uất, liên tục đi cà khịa chó dữ trong nhà.
Dĩ nhiên sức tàn lực hạn, kết cục chỉ có thể là thương tích toàn thân. Vì thương cảm cho con ngỗng, nhà cô Đặng phải đem nó ra làm thịt quay để giải thoát khỏi chốn nhân gian u sầu.
Cô Đặng bày tỏ mong muốn được dân mạng tha thứ vì nhẫn tâm cắt đứt mối lương duyên của cặp ngỗng thanh mai trúc mã.
Thế nhưng cô vẫn quả quyết cho rằng, không sớm thì muộn, không chiên thì xào, không quay thì đem hấp, sinh ra là ngỗng, được nuôi ở nông thông thì cũng chẳng thể tránh được kiếp làm đầy dạ dày nhân loại.
Thôi thì, cũng may, dù khác đĩa khác mâm nhưng chúng vẫn được hội ngộ ở nơi chẳng còn gia vị và bếp nấu.