Đám cưới với 600 khách không mời mà đến
Vừa đặt chân vào hội trường của tiệc cưới, chú rể Shafiqullah (31 tuổi làm nghề kinh doanh xe hơi đến từ thủ đô Kabul, Afghanistan) đã không khỏi kinh ngạc khi có tới 600 vị khách lạ hoắc đang đón chờ mình.
Thế nhưng, anh biết mình vẫn phải đón tiếp họ bởi nếu không đó sẽ là "1 sự sỉ nhục" và niềm vui trong ngày trọng đại của anh sẽ hoàn toàn tan biến.
Bởi vậy, anh Shafiqullah đã yêu cầu lễ tân nhà hàng tăng gấp đôi phần cỗ mà mình đã đặt trước đó để phục vụ toàn bộ khách khứa trong lễ cưới của mình.
Sau khi lễ cưới kết thúc, anh đã phải chi trả khoản tiền khổng lồ lên tới 30.000USD (gần 650 triệu đồng) - một số tiền lớn mà không phải ai cũng có tại quốc gia kém phát triển này.
Câu chuyện trong đám cưới của chú rể Shafiqullah không phải là "độc nhất vô nhị" tại Afghanistan, nơi đám cưới được xem là sự kiện để thể hiện lòng hiếu khách và sự tận tâm với gia đình và cộng đồng.
Tuy nhiên, việc tổ chức đám cưới ở quốc gia này thường khiến những chàng trai Afghanistan rơi vào tình trạng kiệt quệ, nghèo khó bởi họ phải vay mượn để lấy vợ và mất nhiều năm sau đó chỉ để trả nợ.
Tại nhiều quốc gia khác, cô dâu chú rể thường phải "vất vả" mới mời được 500 khách tới chung vui trong ngày cưới của mình, thế nhưng, tại Afghanistan, điều đó không hề khó.
Đơn cử như trường hợp được đề cập trước đó của chú rể Shafiqullah.
Ngoài bạn bè, quan khách của bên nhà gái, anh Shafiqullah còn mời thêm "Anh em họ, anh em họ của anh em họ, hàng xóm và cả những người quen biết trong làng, trong xã, khoảng 100 đến 150 đồng nghiệp và những người kinh doanh xe hơi làm việc trong công ty khác".
Thế nhưng trong số 1.300 khách có mặt trong đám cưới của anh Shafiqullah có tới hơn nửa là người lạ mà anh chưa từng gặp mặt 1 lần. "Quá nửa trong số đó là những người tôi không biết.
Tôi thực sự kinh ngạc và có chút bối rối khi những người đó lại xuất hiện trong lễ cưới của mình. Vậy mà, sau đám cưới, vẫn nhiều người còn trách tôi tại sao không mời họ tới dự đám cưới", anh Shafiqullah chia sẻ.
Mặc dù chú rể luôn "méo mặt" mỗi khi đám cưới được tổ chức xong xuôi thế nhưng nhiều người dân ở thủ đô Kabul không giấu được niềm vui sướng cho biết "Cứ mỗi tối có một đám cưới là chúng tôi sẽ không phải lo đói".
Áp lực tài chính khiến nhiều đám cưới bị hoãn
Trong nhiều trường hợp, do chi phí tổ chức đám cưới quá lớn nên nhiều đám cưới đã bị trì hoãn suốt nhiều năm.
Anh Ahmad Walid Sultani, chủ cửa hàng buôn bán đồ dùng văn phòng, cho biết anh hy vọng một ngày nào đó sẽ có thể tự tay in những tấm thiệp cưới cho chính mình, chứ không phải chỉ phục vụ khách hàng nữa.
Trên thực tế, anh đã đính hôn suốt 7 năm qua nhưng do phải kiếm đủ tiền cho đám cưới cũng như những chi phí phát sinh mà anh chưa thể kết hôn với vị hôn thê của mình.
Theo truyền thống, nhà gái thường không phải chi trả cho đám cưới, vì vậy, toàn bộ gánh nặng thường đè nặng lên vai chú rể và gia đình nhà trai.
Cũng giống như rất nhiều nam thanh niên khác ở Kabul, Sultani lo lắng rằng gia đình nhà gái sẽ yêu cầu lễ cưới hoành tráng, sang trọng hơn những gì anh có thể chi trả. Mới đây nhất, người anh họ của vị hôn thê của Sultani đã mời tới 1.500 khách.
"Tôi biết gia đình nhà vợ sẽ đặt gánh nặng rất lớn cho tôi trong lễ cưới sắp tới", anh Sultani chia sẻ.
Trong khi Sultani đã đính hôn, nhiều chàng trai lại lựa chọn làm việc kiếm tiền trước khi tìm vợ.
"Tôi sẽ phải làm việc thật chăm chỉ để có đủ tiền làm đám cưới", Fayaz (19 tuổi), hiện đang bán băng đĩa lậu trên đường phố, chia sẻ.
Anh dự tính đám cưới của mình sẽ phải tiêu tốn ít nhất 8.500USD (hơn 180 triệu đồng).
Để chi trả cho đám cưới, nhiều chàng trai buộc lòng phải vay nợ ngân hàng hoặc người thân, bạn bè. Và sau lễ cưới đó, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ buộc lòng phải tìm mọi cách để kiếm tiền trả nợ, trong đó, có cả việc di cư sang Iran hay Dubai để làm lao động xuất khẩu.
Thế nhưng, kịch bản chung cho những câu chuyện này là người chồng sau nhiều năm lao động xa nhà sẽ trở về quê hương trong tình trạng nghiện ngập, ốm yếu.
Việc chiêu đãi những quan khách tới dự đám cưới không phải là áp lực duy nhất mà những chàng trai Afghanistan phải đối mặt. Để có thể lấy vợ, các chàng trai sẽ còn phải chuẩn bị rất nhiều sính lễ để đưa cho cô dâu hoặc gia đình nhà cô dâu.
Nhiều tranh cãi
Mới đây, Quốc hội Afghanistan đã thông qua dự luật giới hạn khách mời đám cưới ở mức dưới 400, 500 người. Dự luật nhận được rất nhiều sự ủng hộ của thanh niên Kabul, tuy nhiên, nó vẫn đang chờ được phê duyệt chính thức.
Tuy nhiên, những người bảo vệ quyền phụ nữ, chủ hội trường cưới và công đoàn khách sạn lại lên tiếng phản đối dự luật này.
Shukria Brrakzai, thành viên quốc hội, nói rằng bà phản đối điều khoản trong dự luật bởi "Điều này liên quan đến đời tư và quyền cơ bản của công dân".
Trong khi đó, Sayed Yaqoot, chủ phòng cưới Saltan City, cho rằng luật mới sẽ làm tê liệt ngành kinh doanh tiệc cưới, một trong những ngành công nghiệp ít ỏi phát triển mạnh trong nền kinh tế quặt quẹo của Afghanistan.
"Họ sẽ làm gì nếu mất việc?', Yaqoot nói, đề cập đến hàng nghìn hầu bàn và nhân viên làm việc.