Theo Sohu (Trung Quốc), người đàn ông nói trên là Tôn Nghiệp Long, là cư dân thành phố Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
18 năm trước, ông quen biết một cô bé làm thuê cho một cửa hàng cơm tại địa phương tên Lý Tiểu Mạn.
Tôn Nghiệp Long cho biết, năm đó Tiểu Mạn 14 tuổi, bằng tuổi với con gái ông nên ông coi cô bé như con, hai bên đối xử với nhau rất tốt, lúc nào cũng vui vẻ.
Tuy nhiên vào một ngày của tháng 11/1997, mối quan hệ trên đã thay đổi.
Ông Tôn Nghiệp Long phải chịu đựng nỗi oan khuất trong suốt 18 năm.
Lật lại hồ sơ vụ án
Vào tháng 11/1997, khi Tôn Nghiệp Long ra ngoài mua đồ thì bất ngờ có giấy triệu tập đến đồn cảnh sát. Nguyên nhân của việc này, là do Lý Tiểu Mạn đã trình báo cảnh sát rằng Tôn và mình có quan hệ bất chính.
Năm 2000, Tôn Nghiệp Long bị tuyên án 5 năm tù giam vì tội “hiếp dâm trẻ vị thành niên”.
Sau khi ra tù, người đàn ông này nhiều lần mang đơn đi khiếu nại, nhưng đều bị bác bỏ. Trong thời gian này, Tôn Nghiệp Long không cam tâm, liên tục thỉnh cầu Lý Tiểu Mạn đứng ra nói rõ chân tướng sự việc.
Tuy nhiên, mãi đến gần đây, khi 18 năm đã qua đi, nạn nhân năm xưa mới đồng ý làm rõ những uẩn khúc được giấu kín.
Nỗi oan đã được giải, nhưng không chính thức
Trước mặt các thành viên trong gia đình họ Tôn, Lý Tiểu Mạn đã quỳ sụp và thừa nhận năm đó đã đổ oan cho Tôn Nghiệp Long, đồng thời tình nguyện đứng ra làm chứng cho vụ án liên quan đến mình.
Lý Tiển Mạn đã quỳ gối, khóc lóc xin lỗi người nhà ông Tôn.
Người đàn ông 58 tuổi ngay sau đó đã quyết định khiếu nại một lần nữa, với hy vọng vụ án sẽ được điều tra lại từ đầu, giúp ông lấy lại danh dự đã bị tước đoạt. Song, chuyện không mấy dễ dàng.
Mặc dù Lý Tiểu Mạn đã chính thức xin lỗi nhưng đối vối Tôn, điều đó là chưa đủ để gột rửa nỗi oan ức. Ông cần phải có thêm các bằng chứng để nhận được chính thức tuyên vô tội.
Năm đó, trong tờ phán quyết, ngoài Lý Tiểu Mạn là “người bị hại”, người làm chứng phần lớn là cảnh sát đảm nhiệm vụ án này. Từ góc độ công việc, họ đều cho rằng Tôn Nghiệp Long và Lý Tiểu Mạn đã nảy sinh quan hệ bất chính.
Tuy nhiên, 18 năm đã trôi qua, tìm được những nhân chứng năm đó là điều không đơn giản.
Ông Tôn Nghiệp Long liên tục gọi điện, liên hệ với nhân chứng trong vụ án ông bị liên đới năm xưa, nhưng không có người nghe máy.
Trong số những người này, sống gần Tôn Nghiệp Long nhất là viên cảnh sát họ Tống. Cũng như nhiều người khác có tên trên tờ phán quyết của tòa án cách đây gần 2 thập kỷ, Tống đã đổi nghề, nay là một lái xe đường dài.
Tuy nhiên, sau rất nhiều cuộc điện thoại, thậm chí là đến nhà tìm, Tôn vẫn không thể gặp được viên cảnh sát tuần tra năm xưa, do người này vẫn đang cố tình tránh mặt.