Bí mật bất ngờ đằng sau việc Khang Hy được truyền ngôi báu

Trần Quỳnh |

Một phần nhờ mắc bệnh hiểm nghèo và may mắn thoát khỏi "tử thần", Khang Hy mới được vua cha truyền ngôi báu.

Khang Hy Hoàng đế có tên thật là Ái Tân Giác La Huyền Diệp. Ông là con trai thứ 3 của Thanh Thế Tổ Thuận Trị và Hiếu Khang Chương Hoàng hậu Đông Giai thị.

Huyền Diệp lên ngôi khi mới tròn 8 tuổi, lấy niên hiệu là Khang Hy, sử cũ gọi là Khang Hy Đế. Hậu thế đều tin rằng ông được kế vị là nhờ thông minh hơn người, lại được bà nội là Hiếu Trang Hoàng thái hậu hết lòng yêu quý.

Ít ai biết rằng, ngai vàng có thể đến được tay Khang Hy lại nhờ vào một phần “công lao” của căn bệnh bị coi là “tử thần” lúc bấy giờ.

Nỗi ám ảnh của Thanh triều đối với căn bệnh đậu mùa

Đậu mùa còn được biết tới với tên gọi là bệnh Thiên Hoa, trái rạ, thủy đậu. Trước khi vacxin phòng bệnh ra đời, dịch bệnh này từng là nỗi khiếp sợ của nhiều triều đại, đất nước trên thế giới.

Vào thời nhà Thanh, đậu mùa được ví như vong linh không sao xua đuổi được. Do mối lo sợ đối với căn bệnh này, giai cấp thống trị của Thanh triều quy định: Khi dịch bệnh bùng phát, nơi bị dịch sẽ nhanh chóng bị phong tỏa, người phát ban không được phép ra khỏi nhà.

Những người nằm trong vùng dịch nhưng chưa phát bệnh cũng lập tức phải đưa đi vùng sâu vùng xa để tiến hành cách ly. Thậm chí, một số bệnh nhân có các dấu hiệu như cảm cúm, sốt, ghẻ lở, mẩn gió cũng phải chuyển đến ngoại thành.

Vào thời đại bấy giờ, đậu mùa bị coi như bệnh nan y. Người đã mắc phải nắm trong tay tới tám, chín phần chết.

Năm 1661, Hoàng đế Thuận Trị qua đời vì bệnh đậu mùa ở tuổi 24. Đế vị được truyền lại cho người con thứ ba là Ái Tân Giác La Huyền Diệp mới lên 8.


Chân dung Hoàng đế Thuận Trị - vị vua yểu mệnh vì căn bệnh đậu mùa. (Ảnh: nguồn baike).

Chân dung Hoàng đế Thuận Trị - vị vua yểu mệnh vì căn bệnh đậu mùa. (Ảnh: nguồn baike).

Sinh thời, Thuận Trị vốn rất mực yêu quý con thứ là Phúc Toàn, muốn lập Toàn làm Thái tử. Nhưng Hiếu Trang Hoàng Thái hậu khi đó kiên quyết ủng hộ Huyền Diệp kế vị.

Thuở thiếu thời, Huyền Diệp đã phải chống chọi cùng nhiều bệnh tật, trong đó có đậu mùa. Khi vừa lọt lòng không lâu, vị a ca này được đưa tới Tây Hoa môn ở ngoài cung để tránh dịch.

Mặc dù đã được cách ly và chăm sóc vô cùng kỹ lưỡng, nhưng năm lên 2 tuổi, Huyền Diệp vẫn mắc phải căn bệnh bị xem là “tử thần” này.

May mắn thay, nhờ một giáo sĩ Tây phương hết lòng chạy chữa, lại được sự chăm sóc tận tình của nhũ mẫu, Huyền Diệp đã thoát khỏi nanh vuốt thần chết.

Tuy nhiên, di chứng của căn bệnh này vẫn lưu lại trên gương mặt ông. Biệt danh “Hoàng đế mặt rỗ” của Khang Hy cũng từ đó mà ra.

Nối ngôi nhờ thoát khỏi căn bệnh "tử thần"

Đứng trước quyết định lựa chọn người nối nghiệp, Thuận Trị từng phân vân giữa Phúc Toàn và Huyền Diệp. Khi biết mình lâm trọng bệnh, ông đã từng hỏi ý thầy tu người Đức vấn đề này.

Kết quả là vị thầy tu ủng hộ Huyền Diệp với lý do: Huyền Diệp đã sống sót trước căn bệnh đậu mùa.

Trước lúc băng hà, Thuận Trị liền xuống chiếu nhường lại ngôi cho con trai thứ ba. Ái Tân Giác La Huyền Diệp thuận lợi kế vị, trở thành Khang Hi Hoàng đế, khai sáng thời đại “Khang – Càn thịnh thế”.


Chân dung vua Khang Hy lúc còn trẻ. (Ảnh: nguồn baike).

Chân dung vua Khang Hy lúc còn trẻ. (Ảnh: nguồn baike).

Trong suốt 61 năm tại vị, Khang Hi lập nên nhiều chiến công hiển hách, một thân bình định Tam Phiên, thống nhất Đài Loan và khu vực tây bắc Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, ông còn để lại nhiều cống hiến đối với ngành y học cổ truyền nước nhà.

Mặc dù thoát khỏi căn bệnh được ví như tử thần lúc bấy giờ, nhưng chứng kiến cái chết trẻ của phụ hoàng cùng những di chứng còn lưu lại trên gương mặt mình, Khang Hi chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi ám ảnh đối với đậu mùa.

Do đó, một trong những cống hiến to lớn của vị vua này chính là việc nhân rộng phương pháp chữa trị căn bệnh này trên lãnh thổ Đại Thanh.

Khi nền y học thế giới vẫn băn khoăn trước cách phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này, thì Trung Quốc cổ đại đã có một loại “vacxin” hiệu quả.

Theo đó, chỉ cần lấy vảy nốt mụn đậu mùa của người bệnh đem nghiền nhỏ, dùng bông ướt chấm lên trên rồi nhét vào lỗ mũi của người khỏe mạnh là có thể tạo thành sức đề kháng đối với căn bệnh trên.

Biết được phương pháp này, Khang Hy vô cùng phấn khởi, lập tức ra lệnh mở rộng phong trào phòng ngừa đậu mùa trên diện rộng.

Từ phạm vi chỉ giới hạn trong con cháu của hoàng tộc, cách thức phòng bệnh này đã được tiến hành rộng rãi, đảm bảo cho rất nhiều người có được khả năng miễn dịch trọn đời đối với căn bệnh tử thần này.

Đây cũng chính là một trong những cống hiến to lớn của Hoàng đế Khang Hy hoàng với nền y học nước nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại