Áo lông thú – “mồi nhử nghiệt ngã” hủy diệt vương triều Đại Thanh

Trần Quỳnh |

Từ việc quan lại và người dân dưới triều Thanh bị “hớp hồn” bởi áo lông thú, phương Tây đã dần chen chân vào Trung Quốc và dần đưa thuốc phiện vào hủy diệt cả một thế hệ người Hoa.

Mặc dù chỉ là nguyên liệu thô, nhưng loại áo lông thú vẫn vô cùng được ưa chuộng dưới thời nhà Thanh.

Thậm chí ở Quảng Châu – nơi có mùa đông tương đối ấm áp, giới quý tộc và quan lại vẫn thường xuyên diện đủ loại áo da, áo lông thú nhập từ ngoại quốc.

Trong cuốn “Vương triều Đại Thanh trong mắt người Anh” ghi lại rằng, sứ thần Anderson khi đến đây đã vô cùng kinh ngạc: “Cư dân Quảng Châu và người Anh chúng tôi ăn mặc vô cùng giống nhau, vì vậy khi đến đây tôi đã vô cùng ngạc nhiên.

Mặc dù cách Bắc Kinh rất xa, mùa đông nơi đây chỉ ở mức tương đối lạnh, nhưng cư dân vẫn thích mặc áo da…

Không chỉ giới hạn trong giới thượng lưu, ở đây có rất nhiều cửa tiệm buôn bán đủ các loại da thú, từ da chồn, da báo đến da gấu, da dê… Những loại da này chất liệu rất khá, được may thành áo khoác, lớp lông ấm được hướng vào trong.”

Còn theo “Hoàn cầu ký Neva”, 12 năm sau, vào năm 1805, những người Nga khi đặt chân đến Quảng Châu đã miêu tả chi tiết hơn:

“Vào mùa đông, người dân Quảng Châu thường mặc áo da, có một số người mặc áo măng – sét cổ lông. Xuất phát từ nhu cầu này, họ cần một số lượng lớn da rái cá, da chồn và da hải cẩu.”

Áo lông của người Quảng Châu được làm theo kiểu “Y duyến da” – gắn lông thú vào một số chi tiết của trang phục như cổ áo, tay áo…, coi đó như một loại trang sức, phụ kiện.


Từ thời vua Càn Long, Khang Hy, áo lông thú đã vô cùng phổ biến trong giới quý tộc Thanh triều.

Từ thời vua Càn Long, Khang Hy, áo lông thú đã vô cùng phổ biến trong giới quý tộc Thanh triều.

Trong cuốn “Thạch bại loại sao” cũng có ghi lại:

“Quảng Châu là vùng đất ôn đới, khí hậu ấm áp, bốn mùa đều là hạ, mùa mưa được tính như mùa thu. Lạnh thì cũng chỉ cần dùng đến áo bông.

Năm Quang – Tuyên (Quang Tự - Tuyên Thống) mới có lúc hơi lạnh, có tuyết rơi. Vậy nhưng quan lại nơi đây thường xuyên dùng cách ăn mặc để đánh bóng bản thân, mỗi khi đông tới lại kiếm đủ các loại da thú đắp lên người, như thể chạy theo mốt.”

Quan lại mặc áo da, lông, lúc đầu vốn không phải để khoe khoang sự giàu có.

Theo truyền thống của Trung Quốc, chức vụ khác nhau sẽ phải mặc trang phục, đeo hàm hiệu khác nhau. Áo da, lông thú cũng xếp vào một loại trang phục để phân biệt thứ bậc như vậy.

Theo “đạo hàm dĩ lai triêu tạp dã ký”: “Trang phục của quan lại được quy định tùy vào sự thay đổi của thời tiết và theo thứ bậc. Rét đậm thì mặc áo lông chồn, thường thì mặc áo lông đen các loại như cáo đen, rái cá…Có thể đổi thành các loại áo trắng như da chồn, da báo,…”

Xuất phát từ nhu cầu lớn từ các quan lại, Trung Quốc lúc bấy giờ trở thành một thị trường hấp dẫn tiêu thụ da thú, lông thú.

Đất nước sản xuất áo lông lớn nhất thế giới lúc bấy giờ là Nga, mà thị trường lớn nhất của Nga lại chính là Trung Quốc.

Da, lông cũng trở thành mặt hàng lớn nhất nhập khẩu từ thương cảng. Mậu dịch giữa Nga và Trung Quốc lúc đó cũng trở nên tương đối dễ dàng. Áo lông thú thời đó dần trở thành thứ để phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo.

Vào thời Càn Long, người giàu có thì mặc áo lông cáo, trung lưu mặc lông dê, lông cừu. Theo “Hương ngôn giải di” của Lý Quang Đình, cho đến năm Đạo Quang (thời vua Tuyên Tông), ở nhiều nơi xuất hiện thực tế “đàn ông đều mặc áo lông, phụ nữ đều mặc áo gấm”

Để theo kịp thời đại, một số người thậm chí còn phá cách kiểu dáng áo lông, trên dùng da dê, dưới lại may bằng da mèo rừng, lông chồn, sóc… vì theo “Thanh bại loại sao”,“nửa thân dưới áo người nào cũng dễ thấy, khoe khoang cũng tiện”.

Áo lông thú trở thành nước cờ chính trị

Xuất khẩu da, lông thú vào Trung Quốc khi đó không chỉ có Nga, mà còn có châu Mỹ cùng một số nước như Anh, Pháp. Vào giữa thời nhà Thanh, người dân Trung Quốc đặc biệt có nhiều hứng thú với những loại da, lông thú nhập khẩu từ châu Âu.


Vì quần thần nhà Thanh sính hàng ngoại, nhiều thương nhân phương Tây đã tìm đến Trung Quốc để mở đường làm ăn mới.

Vì quần thần nhà Thanh sính hàng ngoại, nhiều thương nhân phương Tây đã tìm đến Trung Quốc để mở đường làm ăn mới.

Cuốn “Vạn quốc địa lý toàn đồ tập” có ghi chép: “trên khắp phía Tây Bắc nước Anh và Nga đều có nhà xưởng, làm chủ nhiều khu rừng để săn thú, lấy da. Trong đó da “hổ biển” là quý nhất, có đến một nửa đều tiêu thụ ở Quảng Đông.”

Da, lông thú trở thành món hàng nhập khẩu với số lượng lớn nhất và cũng trở thành quân bài chính trị để các nước phương Tây chen chân vào Trung Quốc.

Đây là điều mà ngay cả Càn Long khi sử dụng “con đường tơ lụa” cũng không thể lường tới.

Việc cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu da, lông thú vào Trung Quốc đã góp một phần không nhỏ vào việc thay đổi cục diện chính trị trên thế giới.

Nhờ vào mặt hàng này, những thành thị tân tiến ở châu Mỹ bắt đầu được hình thành, mối quan hệ giữa Mỹ và Anh được thiết lập, hải quân của Nga cũng nhờ đó được chú trọng đầu tư.

Theo thống kê của các học giả người Mỹ, giai đoạn từ năm 1805 - 1834, giá trị xuất khẩu da, lông thú của Mỹ chỉ riêng ở Quảng Châu là 400 triệu USD. Tuy nhiên thị trường xuất khẩu da, lông thú lớn nhất vào Trung Quốc lúc bấy giờ vẫn là Nga.

Nhu cầu khổng lồ từ thị trường và cuộc chạy đua sản xuất áo da, lông thú từ phía các “ông lớn” đã khiến nguồn tài nguyên thú ở Bắc Mỹ gần như cạn kiệt.

Nhiều loài thú thậm chí đã lâm vào nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt lấy da. Điều này đã khiến cho nguồn hàng áo da, áo lông vào Trung Quốc bị suy giảm mạnh.

Người Trung Quốc theo thời gian cũng mất dần hứng thú đối với loại mặt hàng này.

Và sau những xa xỉ phẩm như đồng hồ, áo da… phương Tây bắt đầu buôn bán loại mặt hàng góp phần làm sụp đổ vương triều Đại Thanh sau này, đó chính là thuốc phiện.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại