Đời sống giáo viên vẫn thấp, chi 12.000 tỉ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ có quá vội vàng?

HUYÊN NGUYỄN |

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - lo ngại: Trong 8 năm, để đào tạo 9.000 tiến sĩ là quá vội vàng, nhất là khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống giáo viên còn thấp, cơ sở vật chất cho giáo dục còn nhiều hạn chế.

Bàn về đề án chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu đào tạo tiến sĩ mà không chất lượng chỉ thêm tốn kém tiền của nhà nước, của nhân dân.

Tất nhiên, đào tạo một nhà khoa học chính đáng là một sự cần thiết nhưng không thể trong một thời gian như vậy (2018-2025) chúng ta có thể đặt mục tiêu đào tạo ra 9.000 tiến sĩ được.

Việc đào tạo tiến sĩ khoa học không thể vội vàng như thế! Chương trình mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ theo Đề án 911 đã “đẻ” ra đa phần tiến sĩ “giấy”. Với thực tế này, Bộ GDĐT có nên đi theo con đường cũ, ông Nhĩ đặt câu hỏi.

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, đề án còn đề cập đến nâng cao năng lực cho cả cán bộ quản lý, đã là cán bộ quản lý không nhất thiết phải là trình độ tiến sĩ. Lâu nay, chúng ta sai lầm là phải có bằng cấp mới cho làm quản lý.

Bằng cấp chỉ là một phần thôi còn năng lực quản lý còn phụ thuộc năng khiếu, góc nhìn riêng. Thực tế đã chứng minh, rất nhiều người có chuyên môn khoa học tốt nhưng làm quản lý lại không hiệu quả.

Trong quá trình rèn luyện từ thấp lên đến cao, tất nhiên có bằng cấp là một yếu tố thôi nhưng không nên đặt nặng quá để tạo ra cuộc chạy đua về bằng cấp giả, bằng cấp kém chất lượng hay không phục vụ những mục đích cần thiết.

Thời gian qua, những câu chuyện đáng buồn về nhiều giáo viên dù đã vào biên chế nhưng vẫn xin viết đơn ra khỏi ngành vì áp lực công việc lớn, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hay việc giáo viên công tác mấy chục năm trong nghề khi nghỉ hưu chỉ có lương hơn 1 triệu đồng khiến dư luận không khỏi trăn trở.

Ghi nhận thực tế hiện tại của nền giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, đời sống của giáo viên còn thấp, cơ sở vật chất còn đang khó khăn thì việc lập đề án 12.000 tỉ đồng với mục tiêu đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ dường như chưa thực sự cần thiết.

Mặt khác, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng chỉ ra rằng, các trường đang dần từng bước chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính nên vấn đề tài chính trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn và cần tính toán một cách kĩ lưỡng.

“Chúng ta hãy dùng khoản tiền này vào việc đầu tư nâng cao đời sống cho giáo viên hay nâng cao cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Chính những việc làm thiết thực đó sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng”, PGS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại