Chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ: Làm sao để không “ném tiền qua cửa sổ”?

HUYÊN NGUYỄN |

Đề án nhiều, chi phí lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa thực sự cao là những đánh giá của nhiều chuyên gia liên quan tới những đề án cải cách giáo dục gần đây.

Bàn về dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới với tổng kinh phí 12.000 tỉ đồng, trong đó, có mục tiêu đào tạo thêm khoảng 9.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ, các chuyên gia giáo dục nhận định, cần có biện pháp tích cực để không xảy ra tình trạng “ném tiền qua cửa sổ”.

Nhu cầu là có thật

Bộ GDĐT đang xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình lên Chính phủ một đề án có tổng kinh phí 12.000 tỉ đồng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.

Trong đó, có mục tiêu đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ).

Theo Bộ GDĐT, năm học 2016-2017, tổng số cơ sở giáo dục đại học ở nước ta là 235, với 72.792 giảng viên.

Trong đó số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%); trình độ thạc sĩ là 43.127 người (chiếm 59,2%); trình độ đại học và cao đẳng là 12.519 người (chiếm 17,2%); chuyên khoa I, II là 523 người; trình độ khác là 109 người.

Tổng số trường cao đẳng sư phạm là 33, số lượng giảng viên trong các trường cao đẳng là 3.493 người (số lượng giảm do các trường cao đẳng thuộc quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH).

Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 120 người (chiếm 3,4%); trình độ thạc sĩ là 2.187 người (chiếm 64,5%); trình độ đại học và cao đẳng là 1.049 người (chiếm 30,9%); trình độ khác là 5 người.

Như vậy, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo.

Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp (đạt 22,7% - năm 2017), trong khi so với một số quốc gia trong khu vực như Sri Lanka (đạt 55% - năm 2015); Thái Lan (đạt 24% - năm 2005); Malaysia (đạt 73% - năm 2010).

Đánh giá nhu cầu có thực của đề án này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM - cho rằng: Giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục hiện nay không nhiều, đa số các trường tốp đầu như ĐH QGHN, ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ… mới đạt tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ khá cao, khoảng 45%, tương đương tỉ lệ tại một số quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu tính trên tổng thể thì tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn rất khiêm tốn.

“Muốn công tác nghiên cứu, giảng dạy có hiệu quả trong các trường đại học thì cần thiết nâng cao số lượng tiến sĩ lên ít nhất phải đạt khoảng 30-40%.

Con số 9.000 và 12.000 tỉ đồng nếu nghe tổng thì có vẻ to nhưng chia bình quân ra cả nghìn trường thì con số đó không nhiều. Vấn đề là mình cần tổ chức như thế nào cho hiệu quả” - ông Dũng chia sẻ.

Làm sao để hiệu quả?

Xác định nhu cầu là cần thiết, chủ trương là phù hợp, tuy nhiên, bài toán được đặt ra là làm sao cho hiệu quả. Dự thảo Đề án cũng chỉ rõ, Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN.

Trong thời gian 10 năm (từ 1996-2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan; 1/3 so với Malaysia; và 1/14 so với Singapore.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế.

Trên cơ sở đó, đề án đề ra, trong giai đoạn 2018-2025, đề án sẽ tập trung vào hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học đạt được mục tiêu nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý theo chiến lược phát triển và yêu cầu đào tạo chất lượng cao của cơ sở.

Phấn đấu đến năm 2025, nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ). Trong đó, đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới.

Dự thảo còn đề ra mục tiêu 100% cán bộ quản lý là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng/viện trưởng, hiệu phó/phó viện trưởng được bồi dưỡng về quản trị trường đại học.

Ngoài ra, 100% giảng viên được bồi dưỡng về năng lực phát triển chương trình đào tạo, năng lực giảng dạy theo phương pháp hiện đại, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Dự thảo đưa ra 5 giải pháp để thực hiện bao gồm: Đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học; Thu hút tiến sĩ đến công tác, làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học; Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý; Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; Đổi mới cơ chế, chính sách.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM - ngoài việc nâng cao tỉ lệ tiến sĩ, đặc biệt là các tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài thì cần chú trọng đến các giải pháp đồng bộ, điều kiện để các tiến sĩ sau khi về nước có môi trường và điều kiện để tiếp tục nghiên cứu, phát triển.

Điều quan trọng nữa là cần đảm bảo thu nhập, bởi thực tế, lương hiện nay trình độ tiến sĩ chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/tháng, nên nhiều người chấp nhận bồi hoàn chi phí đào tạo cho các trường đại học để tìm cơ hội tốt đẹp hơn, thu nhập cao hơn.

Còn TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT - nhìn nhận rằng: Để đạt hiệu quả, Bộ GDĐT và các trường cần có chiến lược dài hơi và nghiêm túc về vấn đề này để không gây thêm lãng phí về kinh tế và nhân lực.

12.000 tỉ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ sẽ lấy ở đâu?

Các nguồn kinh phí cần thiết để triển khai đề án bao gồm ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%; từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5%; các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học chiếm 1%.

Trong đó, đề án không đặt yêu cầu Nhà nước cấp kinh phí mới mà đề nghị tích hợp Đề án 911 và Đề án 2020 để nâng cao hiệu quả tổng thể và sử dụng khoản kinh phí còn lại đã được cấp cho các đề án này. H.NGUYỄN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại