Không quy hoạch, không đảng viên vẫn “có cửa”
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề cập tại Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6 vừa qua là xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người có đức, có tài.
Trước đó, Bộ Nội vụ cũng đưa ra hướng dẫn thực hiện đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý.
Cụ thể hóa chủ trương này, vào cuối năm nay, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức thi tuyển đối với ba chức danh lãnh đạo cấp vụ, gồm Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương và Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế. Sang năm 2018, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thi tuyển đối với 5 chức danh lãnh đạo khác.
Điểm đáng chú ý nhất trong việc thi tuyển của Bộ Nội vụ là quy định về đối tượng dự thi.
Ngoài công chức, viên chức nằm trong quy hoạch, đang công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm, ngay cả các đối tượng đang công tác tại các bộ, ngành, địa phương khác, nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh thi tuyển và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh thi tuyển cũng được tham dự.
Đặc biệt, đối tượng dự thi càng được mở rộng hơn đối với công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh thi tuyển, hoặc chức danh tương đương với chức danh thi tuyển.
Trong đó bao gồm cả trường hợp không công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh thi tuyển và có thể không phải là đảng viên.
Tuy nhiên điều kiện kèm theo là, những trường hợp này phải được tập thể lãnh đạo Bộ Nội vụ đề cử và được Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đồng ý bằng văn bản.
“Đối tượng dự thi phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh.
Trường hợp người tham gia dự thi từ nơi khác thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nơi người tham gia dự thi đang công tác đồng ý cho người đó tham gia dự thi và chuyển công tác nếu trúng tuyển”, điều kiện, tiêu chuẩn được Bộ Nội vụ quy định rõ.
Đánh giá về việc mở rộng đối tượng dự thi ra cả ngoài nội bộ, không trong quy hoạch, không đảng viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, đây là một bước tiến bộ trong công tác cán bộ, góp phần tìm được người có trình độ chất lượng đưa vào bộ máy.
Cách đây ít ngày, Ban Tổ chức Trung ương cũng đã tổ chức thi tuyển thành công và lựa chọn ra được ba ứng viên cho các chức danh Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng và Vụ trưởng Vụ Địa phương 3 tại TPHCM.
Trong 3 thí sinh xuất sắc trúng tuyển trong tổng số 12 thí sinh dự tuyển, có một ứng viên được quy hoạch ở vụ khác trúng tuyển và được bổ nhiệm vào vụ khác. Hai ứng viên quy hoạch tại chỗ từ cấp phó, qua thi tuyển được bổ nhiệm lên vụ trưởng.
Chia sẻ với PV Tiền Phong sau thi tuyển, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương Dương Minh Đức nhấn mạnh đến tính khách quan, dân chủ, công bằng trong thi tuyển.
Trên cơ sở đó, mỗi hồ sơ xét tuyển phải đủ điều kiện dự thi do lãnh đạo Ban xem xét, được niêm yết công khai. Sau đó các thí sinh được nhận chủ đề, khi hoàn thành, đề án được niêm phong lại.
Mặt khác, ngoài 7 thành viên trong Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng thi tuyển còn có 4 thành viên đến từ Bộ Nội vụ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia.
Qua đợt thi tuyển này cho thấy, có nhiều cán bộ có nhu cầu dự thi, nhưng điều kiện lại chưa đủ. Từ thực tế trên, ông Đức cho biết, đang nghiên cứu tham mưu và có thể sẽ điều chỉnh, mở rộng đối tượng tham dự.
“Từ nay trở đi sẽ không bổ nhiệm cán bộ bằng lấy phiếu tín nhiệm nữa mà sẽ tổ chức thi tuyển. Người thi tuyển sẽ thực hiện theo quy chế về thi tuyển mà Ban Tổ chức ban hành”, ông Đức cho hay.
Tránh tình trạng khép kín, cục bộ
Xoay quanh chủ trương này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, trước kia cũng đã đề cập đến quy hoạch cả trong và ngoài hệ thống.
Giờ tiến tới không quy hoạch mà tuyển dụng thông qua thi tuyển, có thể ở trong và ở ngoài, với điều kiện đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
Theo quy định của Bộ Nội vụ về thi tuyển tới đây, ông Dĩnh phân tích, bất kỳ ai, dù có là đảng viên hay không, có nằm trong quy hoạch hay không vẫn nằm trong đối tượng có thể được tham dự.
Trước kia nếu đối tượng dự thi không phải trong cơ quan, không phải đảng viên thì có thể không đủ điều kiện.
Nhưng bây giờ đối tượng đã được mở rộng cả ngoài cơ quan, tất nhiên, kèm theo đó là những điều kiện về trình độ năng lực, hay vấn đề đạo đức phải có nhận xét, đánh giá của cơ quan người dự tuyển đang công tác.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, hội đồng thi tuyển sẽ xem, Ban cán sự họp lại và thống nhất đối tượng nào được tham gia dự thi. Như vậy, theo ông Dĩnh, sau khi được tiếp nhận hồ sơ, phải có điều kiện tiếp theo nữa.
“Nhưng như thế cũng là một bước tiến, mở ra để thu hút được nhiều nguồn, thu hút được nhiều người tài”, ông Dĩnh đánh giá.
“Tôi tin nếu những người ngoài quy hoạch, đáp ứng đủ điều kiện đề ra, không có vấn đề gì thì chắc chắn phải được giới thiệu, dự thi. Có như vậy mới có nhiều nguồn cán bộ để lựa chọn.
Những người tham gia tổ chức thi tuyển chắc chắn họ rất tự tin. Sẽ là rất tốt nếu chúng ta chọn được người có năng lực vào cơ quan nhà nước”, ông Dĩnh nhìn nhận.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, trước Bộ Nội vụ, một số bộ ngành, địa phương khác đã thực hiện thi tuyển, nhưng sau đó dừng lại. Thế nhưng mức độ chỉ là ở các trường, các khối sự nghiệp chứ chưa đến khối công chức.
Đến tỉnh Quảng Ninh đã thi đến khối công chức, phó giám đốc, rồi giám đốc sở. Ở cấp trung ương giờ lại khởi động lại, và mở màn là Ban Tổ chức Trung ương vừa qua và tới đây là Bộ Nội vụ.
Theo ông Dĩnh, đây là một tiến trình đổi mới về công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp lại bộ máy. Trước mắt là thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, rồi cũng có ý kiến đề xuất, có thể thi đến cả chức danh thứ trưởng.
Song theo ông Dĩnh, việc này cần phải làm từng bước, rồi rút kinh nghiệm dần. Bởi thực tế thông qua thi tuyển, cũng có trường hợp như Bộ Tư pháp, thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật cũng gặp “trục trặc”.
“Phải có thí điểm để rút ra những bài học kinh nghiệm, để sau này trở thành chủ trương chính thức. Cứ đến chức danh nào đó phải thông qua thi tuyển chứ không phải bổ nhiệm như trước nữa.
Đối tượng dự tuyển cũng ngày một rộng hơn, thông qua đó mà thu hút được nhiều người tài, người có năng lực hơn vào bộ máy nhà nước”, ông Dĩnh cho hay.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chung đối với toàn bộ hệ thống chính trị được nêu trong Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6 là: Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Tiến hành sơ kết, tổng kết và đổi mới việc thi tuyển, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách tiền lương.
"Phải có thí điểm để rút ra những bài học kinh nghiệm, để sau này trở thành chủ trương chính thức. Cứ đến chức danh nào đó phải thông qua thi tuyển chứ không phải bổ nhiệm như trước nữa. Đối tượng dự tuyển cũng ngày một rộng hơn, thông qua đó mà thu hút được nhiều người tài, người có năng lực hơn vào bộ máy nhà nước", ông Nguyễn Tiến Dĩnh.
Tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch
Chia sẻ về ý nghĩa của việc thi tuyển cạnh tranh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, việc thay đổi cách thức tuyển dụng, trước hết nhằm phát hiện, thu hút, tuyển chọn, bổ nhiệm được người có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ, góp phần nâng cao chất lượng nghiệp vụ, thực hiện chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, chủ trương này cũng đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng khép kín, cục bộ. Trước đây tất cả quy trình tuyển dụng là bỏ phiếu tín nhiệm, còn giờ thực hiện thi tuyển để chọn người điểm cao nhất, đảm bảo cạnh tranh, công khai minh bạch và chọn người thực sự có tài hơn.
"Hình thức thi bao gồm cả thi viết và bảo vệ đề án, có hội đồng thi tuyển xem xét, chấm điểm và cán bộ công chức giám sát, do đó sẽ hạn chế được rất nhiều khiếm khuyết hiện nay", ông Thăng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định sẽ không có chuyện chạy chọt trong thi tuyển.