Đối mặt kẻ cắp, cho đi tấm áo và thốt lên chỉ 1 câu, thiền sư khiến nhiều người tỉnh ngộ!

Kim Chi |

Cách vị thiền sư đối mặt với tên trộm thật đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm.

Mất bao lâu để học thành tài  

Một môn sinh muốn theo học võ đến gặp thầy của mình và ngập ngừng hỏi: "Thưa thầy, con rất mong muốn được theo học thầy. Xin thầy cho con biết, sau bao lâu con có thể thành tài được ạ?"

Người thầy ôn tồn đáp: "Mười năm."

Môn sinh nọ như không tin vào tai mình, cậu thầm nghĩ “Làm sao có thể mất đến tận mười năm cuộc đời để học thành tài một môn võ?”.

Rồi không thể kiên nhẫn nổi, cậu nói: "Nhưng con muốn thành tựu nhanh hơn. Con sẽ học liên tục, sẽ luyện tập hàng ngày, mỗi ngày mười giờ hoặc nhiều hơn nếu cần. Như vậy con sẽ mất bao nhiêu thời gian?" 

Thầy giáo suy nghĩ một giây lát, và đáp "20 năm."

Lời bàn

Câu nói của người thầy như lời thức tỉnh dành cho học trò, cũng là lời nhắn nhủ đến những người hay nóng vội. 

Mỗi hành trình dài luôn cần sự kiên nhẫn và tinh thần sẵn sàng chinh phục khó khăn hơn là thái độ nóng vội hay muốn được thành tựu ngay khi vừa mới bắt đầu. 

Điều quan trọng nhất là làm việc chăm chỉ và tận hưởng từng bước tiến nhỏ, như vậy bạn mới có thể hạnh phúc với cả hành trình.  

Đối mặt kẻ cắp, cho đi tấm áo và thốt lên chỉ 1 câu, thiền sư khiến nhiều người tỉnh ngộ! - Ảnh 1.

Ước gì ta có thể tặng anh cả ánh trăng này

Chuyện kể rằng, xưa có vị thiền sư tên Ryokan sống cuộc đời khổ hạnh trong một túp lều nhỏ dưới chân núi. Một buổi tối nọ, có tên trộm đến túp lều của thiền sư, hắn nhanh chóng phát hiện ra rằng ở đó không có gì để lấy.

Thiền sư lúc này đang ngồi thiền dưới trăng, nãy giờ ngài đã biết sự có mặt của tên trộm, ngài nói: "Anh đã phải đi cả quãng đường dài để đến đây thăm ta, vậy ta cũng không thể để anh trở về tay không được. Hãy lấy bộ quần áo này của ta và mang đi như một món quà."

Tên trộm cảm thấy vô cùng bối rối. Hắn ta lấy bộ quần áo thiền sư đang mặc trên người và toan bỏ đi.

Lúc này Ryokan mới thốt lên rằng: "Hỡi con người đáng thương, ước gì ta có thể lấy cả vầng trăng tuyệt đẹp này xuống để tặng anh."

Lời bàn

Thiền sư đã dùng tình thương để đối đãi với tên trộm, với ông, bất kỳ ai gặp trong đời cũng đều như một vị khách quý đến nhà chơi. 

Nếu chúng ta lúc nào cũng giữ được tấm lòng trong sạch, khoan dung và tự tâm yên tĩnh như vậy thì dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù có gặp kẻ xấu xa đến đâu cũng không thể làm ta nao núng.

Đối mặt kẻ cắp, cho đi tấm áo và thốt lên chỉ 1 câu, thiền sư khiến nhiều người tỉnh ngộ! - Ảnh 2.

Mặt khác, con người trong cuộc sống hàng ngày đôi khi cũng giống như tên trộm, mải chạy theo những thú vui tầm thường và có những hành động nhỏ nhen, thậm chí xấu xa chỉ để giành giật những điều không đáng. 

Như kẻ vì lười biếng mà phải tủi nhục đi ăn cắp, và bỗng quên mất rằng cuộc đời còn những thứ tuyệt đẹp như ánh trăng vằng vặc trên cao kia.  

Nhưng hơn hết, thiền sư muốn tặng vầng trăng cho tên trộm, đó không chỉ như một món quà thông thường mà còn là vầng trăng chiếu sáng, soi đường cho nhau, hồi hướng để kẻ ác phục thiện và tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.

Nhìn rộng hơn, trong đời sống, đôi khi một cử chỉ yêu thương của chúng ta cũng giống như vầng trăng, có thể giúp con người trong phút gian nan và lạc lối có động lực và tìm được lối đi đúng đắn trong đời.  

Một tách trà

Nan-in, bậc thầy người Nhật Bản trong thời Meiji (1868-1912), một ngày nọ tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về đạo thiền.

Nan-in rót trà, ông rót cho đến khi trà đầy cốc của vị khách, và vẫn cứ thế tiếp tục rót thêm. Vị giáo sư nhìn cốc trà tràn ra ngoài, cho đến khi ông ta không thể ngồi im được nữa, bèn cất lời nói vẻ ngạc nhiên: "Cốc trà đã quá đầy rồi, làm sao ngài có thể rót thêm được nữa?" 

Lúc này, Nan-in mới từ tốn cất lời: "Giống như cốc trà này, ông đã mang đầy tâm trí tất cả quan niệm và định kiến  của riêng ông. Làm sao ta có thể chỉ cho ông về đạo thiền thêm nữa đây, nếu như ông không làm cho chiếc cốc của mình vơi bớt trước?"

Đối mặt kẻ cắp, cho đi tấm áo và thốt lên chỉ 1 câu, thiền sư khiến nhiều người tỉnh ngộ! - Ảnh 3.

Lời bàn

Hãy đưa kiến thức cho những người tìm kiếm kiến thức, nhưng chỉ khi họ phát hiện ra sự thiếu hiểu biết của mình. Cũng giống như vị Giáo sư nọ, trong đầu ông đã mang đầy chấp niệm, chẳng khác gì chiếc cốc đầy trà, có cố gắng rót thêm cũng đều tràn ra ngoài vô ích.

Câu nói của vị thiền sư cũng giống như lời nhắc nhở cần sống và học hỏi với thái độ khiêm tốn, cầu thị. Chỉ khi gạt bỏ cái tôi đầy định kiến, ta mới có thể mở lòng và đón nhận thêm những điều mới mẻ, tuyệt vời từ bạn bè và cuộc sống bên ngoài.

Tất cả rồi sẽ qua

Một môn đệ nọ đến tâm sự với thiền sư của mình: "Học thiền thật là khủng khiếp! Con cảm thấy rất phân tâm, có lúc chân đau nhức, có lúc lại buồn ngủ triền miên. Con không thể chịu đựng nổi nữa rồi!"

"Rồi sẽ qua thôi," người thầy nói.

Một tuần sau, người môn đệ quay lại gặp thầy: "Thưa thầy, thiền thật tuyệt vời! Con cảm thấy trong người vô cùng tỉnh táo, an lành, và mọi thứ thật sống động! Quá tuyệt vời!” "Rồi sẽ qua thôi” người thầy lại điềm tĩnh trả lời.

Lời bàn

Trong cuộc sống cũng như vậy, có những khi bạn cảm thấy thật thất vọng, buồn phiền hay hối tiếc, nhưng rồi “tất cả sẽ qua”. 

Cũng như vậy, khi cảm thấy vui mừng và hạnh phúc nhất cũng là lúc những khoảnh khắc tuyệt vời ấy đang trôi qua. 

Vậy nên đối với mọi việc, hãy giữ một thái độ thoải mái đón nhận và sẵn sàng đối diện với mọi chuyện, được như vậy, cuộc sống sẽ thanh thản và tràn đầy niềm an lạc.  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại