Đối mặt hai thách thức, Philippines quyết đẩy mạnh tham vọng năng lượng hạt nhân

Minh Đức |

Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết, ông muốn 'tìm hiểu thêm' về năng lượng hạt nhân.

(Tổ Quốc) - Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết, ông muốn "tìm hiểu thêm" về năng lượng hạt nhân.

Reuters đưa tin, hôm thứ tư (30/10), người đứng đầu cơ quan năng lượng Philippines cho hay, nước nay sẽ chuẩn bị một kế hoạch chi tiết đệ trình lên Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về chương trình năng lượng hạt nhân của mình.

"Chúng tôi dự kiến sẽ gặp gỡ với IAEA vào tháng sau để thảo luận sâu hơn các nỗ lực hợp tác", Bộ trưởng Năng lượng Alfonso Cusi nói sau khi nhận được một báo cáo của IAEA về các hạ tầng cơ sở mà Philippines cần phải đáp ứng cho một chương trình hạt nhân.

"Đây là khởi đầu cho một giai đoạn mới bởi vì chúng tôi phải chuẩn bị kế hoạch hành động và sẽ đệ trình nó lên IAEA và họ sẽ đánh giá chúng tôi", ông Cusi nói.

Bộ Năng lượng Philippines từ lâu đã tiến hành nghiên cứu về sử dụng năng lượng hạt nhân – một vấn đề vẫn còn gây chia rẽ tại quốc gia Đông Nam Á do những e ngại về an toàn. Cơ quan này cũng đã dự thảo một chỉ thị và chỉ còn chờ Tổng thống Rodrigo Duterte phê chuẩn liên quan tới một chính sách quốc gia hỗ trợ cho kế hoạch trên.

Trong khi đó, Tổng thống Duterte nhấn mạnh, an toàn sẽ là mối ưu tiên hàng đầu khi ông đưa ra quyết định liệu có để Philippines theo đuổi năng lượng hạt nhân hay không.

Còn Bộ trưởng Cusi cho hay, ông Duterte "muốn biết thêm" về năng lượng hạt nhân.

Năng lượng hạt nhân được coi là một giải pháp tiềm năng cho hai thách thức mà Philippines đang phải đối mặt là nguồn cung điện không ổn định mà giá thành lại cao. Tuy nhiên, theo ông Cusi, họ cũng đang xem xét cả các lựa chọn khác.

"Chúng tôi đang nghiên cứu tất cả các nguồn năng lượng", ông nói. "Chúng tôi rất cần năng lượng và sẽ tìm đến bất kỳ nguồn nào có thể thỏa mãn nhu cầu của chúng tôi".

Những người ủng hộ cho kế hoạch năng lượng hạt nhân của Bộ trưởng Cusi cho rằng, bởi vì chi phí nhiên liệu thấp hơn sẽ dẫn tới giá điện giảm. Tuy nhiên, những người phản đối cũng đưa ra nhiều lý do như bị phụ thuộc vào nguồn uranium nhập khẩu, chi lí xử lý rác thải cao và các vấn đề an toàn.

Nếu quyết định tiến hành khai thác năng lượng hạt nhân, Philippines có thể xây dựng hạ tầng mới hoặc tái tận dụng nhà máy hạt nhân Bataan. Được xây dựng từ những năm 1980, Bataan không được đưa vào sử dụng sau khi Philippines thay đổi lãnh đạo và thảm họa Chernobyl.

Ông Cusi còn bật mí, chính phủ còn muốn xây dựng các nhà máy hạt nhân quy mô nhỏ tại một số hòn đảo vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện của Philippines. Mới đây, Manila cũng đã ký kết một biên bản ghi nhớ chung với công ty nguyên tử nhà nước Rosatom của Nga về công tác tiền khảo sát phục vụ xây dựng những nhà máy như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại