Cam kết cho vay 9 tỷ USD, sau 3 năm TQ mới chi chưa đầy 1 tỷ USD, Philippines đặt dấu hỏi về lợi ích hợp tác

Minh Khôi |

Sự chênh lệch về con số hỗ trợ tài chính trên đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về những lợi ích cụ thể từ chính sách thân Trung Quốc mà Tổng thống Duterte đã khởi xướng.

Cam kết 9 tỷ USD, hỗ trợ 1 tỷ USD

Trung Quốc và Philippines đã ký 6 thoả thuận vào tuần trước, qua đó nâng mức hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh cho quốc gia Đông Nam Á lên 924 triệu USD, tuy nhiên con số này vẫn là quá nhỏ so với mức cam kết 9 tỷ USD của Trung Quốc vào năm 2016.

Những thoả thuận mới nhất bao gồm các nghiên cứu khả thi cho 2 dự án xây dựng có liên hệ tới chương trình "Build, Build, Build" (Xây, xây, xây) của Tổng thống Duterte, một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng mà ông kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Các dự án này bao gồm một cây cầu trị giá 530 triệu USD kết nối các đảo Panay và Guimaras thuộc miền trung Philippines, cũng như một tuyến đường cao tốc với vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD ở quê hương ông Duterte tại thành phố miền nam Davao – vốn được cho đang ở giai đoạn cuối của "quá trình lập kế hoạch".

Hiện những nghiên cứu này được công ty quốc doanh Tư vấn Cao tốc Trung Quốc CCCC cung cấp vốn và đồng thời triển khai. Vào thứ năm vừa qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đã tham dự lễ kí kết các thoả thuận này tại Manila, sau đó ông Hồ Xuân Hoa đã có cuộc gặp với Tổng thống Duterte để khẳng định sự quan tâm của Bắc Kinh đối với việc đưa các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng của Philippine vào trong khuôn khổ các hoạt động đầu tư thuộc Sáng kiến Vành Đai và Con đường.

Tuy nhiên, những ý kiến đối lập với ông Duterte đặt câu hỏi tại sao khi đã qua nửa nhiệm kỳ, những khoản cho vay và hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh vẫn còn quá nhỏ so với con số 9 tỷ USD mà nước này đã cam kết vào tháng 10/2016.

Tiến độ chậm chạp trong dự án liên quan đến Trung Quốc

Tổng thống Philipin Rodrigo Duterte đã khởi xướng chính sách thân Trung Quốc và khẳng định sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho ngành du lịch và thương mại.

Khi đó, ông Duterte sau khi chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chứng kiến lễ kí kết 27 thoả thuận hợp tác song phương. Sự kiện này cũng đánh dấu nỗ lực của ông Duterte nhằm cải thiện mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Trong khi ông Duterte đưa ra quan điểm một chính sách thân Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, hoạt động thương mại thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu của Philipine từ Trung Quốc đạt mức 22 tỷ USD trong năm 2018, nhưng xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á sang Trung Quốc chỉ đạt 8,8 tỷ USD.

Điểm qua những dự án tại Philippines nhận tài trợ từ Trung Quốc, chỉ có dự án thuỷ lợi dọc sông Chico với giá trị 62 triệu USD bằng vốn vay ưu đãi, với các dự án xây 2 cây cầu ở Manila đã bắt đầu quá trình thi công.

Alvin Camba, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường đại học Johns Hopkins, cho rằng đa phần các dự án nằm trong khoản cam kết 9 tỷ USD của Trung Quốc có thể đã bị trì hoãn do "các yếu tố về thủ tục thay vì những lý do chủ quan".

Những vấn đề như hủy bỏ, điều chỉnh hay trì hoãn các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài, hay biên bản ghi nhớ về hỗ trợ tài chính không phải là điều quá mới mẻ với Trung Quốc, Camba nói.

Wilson Lee Flores, một doanh nhân người Philippin gốc Trung Quốc, đồng thời là chủ tịch câu lạc bộ Doanh nhân Anvil, một tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp trẻ Philipine gốc Hoa, nói rằng "hệ thống luật pháp của Philippines đòi hỏi các khoản vay và dự án cần có sự minh bạch nhất định. Mọi thứ phải trải qua các giai đoạn thẩm tra và đánh giá, do đó sẽ cần thời gian để các dự án này được phê duyệt".

Hơn nữa, "chính phủ nhiệm kỳ trước của Philippines có quan điêm tiêu cực đối với Trung Quốc, do đó những nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong quá khứ gần như là không có. Khi ông Duterte lên nắm quyền, mọi thứ phải bắt đầu từ con số 0", Flores nói.

Ngược lại, những nghiên cứu khả thi cho các dự án được Nhật Bản tài trợ đã hoàn tất, nên các dự án sẽ được phê duyệt một cách nhanh chóng, Flores nói thêm.

Dự án đập Kaliwa ở phía đông bắc Manila do Trung Quốc tài trợ, một kế hoạch trọng điểm trong chương trình "Xây, xây, xây" của ông Duterte cho thấy sự chậm chạp trong các dự án liên quan đến Trung Quốc.

Giám đốc Viện Kinh tế và Phát triển Quốc gia Ernest Pernia vào thứ năm cho biết Philippines và Trung Quốc đang thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án chung.

Ông Pernia thừa nhận Thượng viện Philippin đã huỷ một số dự án nằm trong chương trình "Xây, xây, xây" do lo ngại về tính khả thi, nhưng khẳng định không có dự án nào bị huỷ có liên quan đến nguồn vốn tài trợ từ Trung Quốc.

Flores cho rằng chuyến thăm của ông Hồ Xuân Hoa đến Philippin là một "dấu hiệu tốt", không chỉ bởi việc Trung Quốc muốn giữ Manila trong quỹ đạo của nước này, trong bối cảnh các cường quốc khác như Nga, Nhật Bản và Mỹ đang gia tăng sức ảnh hưởng ở khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại