Trong bưu phẩm là một đôi hoa tai và một lá thư từ bà mẹ Mỹ có con trai tham chiến ở Việt Nam.
Lá thư và đôi hoa tai được gửi từ bà Cecila M.Goto, một người mẹ có con trai là lính hải quân. Ngày trở về từ chiến trường Việt Nam, con trai bà mang theo một đôi hoa tai vàng. Một đôi hoa tai, nhỏ nhắn, làm món quà tặng mẹ ngày trở về, lại trở thành gánh nặng mà bà muốn chôn vùi trong suốt gần 20 năm sau.
Bức thư của người mẹ viết:
"Thưa ngài! sau cuộc chiến tranh Việt Nam, người lính trẻ đã mang về quê mình, nước Mỹ, đôi hoa tai vàng này và đem làm quà cho mẹ mình. Giờ đây, tôi xin gửi trả lại đôi hoa tai đó về nơi xuất xứ và xin được tha thứ. Tôi hiểu rằng, đôi hoa tai đó đã được làm từ những chiến nhẫn cưới của những người lính Việt Nam.
Chuyện thực buồn, tôi thực đau lòng.
Tôi tin rằng, chính đôi hoa tai đã mang lại bao nhiêu phiền muộn đau đớn và rủi ro cho người lính trẻ kia, và rằng anh ta đã phải sống qua những tháng năm bi thảm.
Xin nhờ ông đem chôn đôi hoa tai này xuống mảnh đất quê hương ông. Nó có thể giúp xoa đi những tội lỗi và đem lại hòa bình cho mọi người trên trái đất.
Xin cảm ơn ông!"
Trong lá thư, bà Cecila M.Goto muốn chôn đôi hoa tai này trên mảnh đất Việt Nam. Nhưng câu chuyện về lá thư và đôi hoa tai đã xuất hiện trên Báo Quân đội Nhân dân số 11931 ra ngày 7/8/1994 và Báo Sài Gòn giải phóng số 6134 ra ngày 8/8/1994 đã gây chú ý với các cán bộ của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Thay vì để đôi hoa tai ấy chôn vào lòng đất mẹ thì các cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã vào Đà Nẵng, đề nghị xin được lưu giữ, bảo quản hiện vật này. Sau một thời gian sưu tầm cùng rất nhiều văn bản, giấy tờ và gửi thư xin ý kiến của bà Cecila M.Goto đến ngày 5/12/1994, đôi hoa tai cùng lá thư chính thức trở thành hiện vật của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam như một minh chứng cho một ý nguyện hòa bình.
Lá thư là một trong hưn 400 tài liệu, hiện vật từ nhiều nước trên thế giới mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã sưu tầm và tổ chức triển lãm trực tuyến trong năm nay. Các tài liệu, hiện vật được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sưu tầm thể hiện sự ủng hộ của phụ nữ trên toàn thế giới đối với cuộc đấu tranh của Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước. Điều đặc biệt là, những tài liệu, hiện vật đến từ phụ nữ Mỹ chiếm nhiều nhất. Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức trực tuyến có tên Những trái tim vì hòa bình, với mong muốn thể hiện rằng, dù có khác biệt màu da và tiếng nói, thì những trái tim của những người phụ nữ trên khắp thế giới đều cùng đập chung một nhịp: nhịp đập hòa bình.
Sau đây là một số hình ảnh, hiện vật do Bảo tàng phụ nữ Việt Nam cung cấp: