Không phải lời dọa suông?
Nhóm hacker Dark Overlord đã tung ra mã giải mật cho 650 tài liệu được cho là liên quan tới vụ khủng bố nổi tiếng ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Chưa dừng lại ở đó, nhóm này đe dọa sẽ tiếp tục hé lộ số tài liệu còn lại nếu không được trả một khoản tiền chuộc khổng lồ.
650 tài liệu nói trên chỉ là một phần trong 18.000 tài liệu bí mật liên quan đến vụ khủng bố năm 2001 được thu thập từ các hãng bảo hiểm, luật, và cơ quan chính phủ. Số tài liệu đáng nhẽ đã bị tiêu hủy nhưng đều được giữ lại vì một số lí do.
Ban đầu, nhóm Dark Overlord tuyên bố sẽ tung ra 10GB dữ liệu trừ khi được trả một khoản tiền chuộc bằng tiền ảo bitcoin. Tuy nhiên, hôm 2/1, những hacker này lại công bố "kế hoạch thanh toán theo cấp bậc". Theo đó, người dân toàn thế giới có thể "quyên góp" bitcoin để nhóm hacker giải mật từng phần của tài liệu.
Chỉ trong vòng một ngày, Dark Overlord cho biết đã nhận được hơn 12.000$ giá trị bitcoin - đủ để mở "tầng 1" và một vài "điểm nhấn" của vụ việc, tổng cộng gồm 650 tài liệu.
Hiện tại, còn ít nhất 4 "tầng" nữa cần được mở khóa và nhóm hacker khẳng định "mỗi tầng sẽ chứa nhiều bí mật hơn, nhiều tài liệu ghê gớm hơn và nhiều sự thật hơn".
Dark Overlord yêu cầu khoản tiền 2 triệu USD bằng bitcoin để tung ra toàn bộ "siêu tài liệu" với về vụ 11/9.
Đoạn tư liệu vụ tấn công kinh hoàng ngày 11/9 của Al-Qaeda. Nguồn: VOA
Nhóm hacker đã rao bán những dữ liệu nói trên cho các tổ chức khủng bố, cơ quan chính phủ và cả các cơ quan truyền thông. Khi một phóng viên RT tiếp cận các hacker, phóng viên đã được tiếp cận kênh độc quyền tới các tài liệu - tất nhiên phải trả phí.
"Họ sẵn sàng bán các tài liệu cho tôi. Vậy nên vấn đề chỉ là tiền," phóng viên RT Michelle Greenstein nói.
Theo các quan sát ban đầu, tài liệu của "tầng 1" không chứa bất kì bí mật "ghê gớm" nào mà tập trung vào lời khai của an ninh sân bay và chi tiết về các khoản bồi thường bảo hiểm liên quan tới vụ 11/9. Tuy nhiên, những dữ liệu ban đầu cho thấy nhóm hacker không hề "nói khoác".
"Hãy để những tài liệu này làm bằng chứng cho những gì chúng tôi nói là đúng, và chúng tôi đang làm theo như những gì đã hứa hẹn với các bạn. Hãy tiếp tục gửi bitcoin vào đây, và chúng tôi sẽ để sự thật được hé lộ," nhóm hacker gửi thông điệp qua tin nhắn mã hóa.
Sau lời nhắn nói trên, Dark Overlord gửi tuyên bố tới "cốt lõi chính phủ Mỹ và những tổ chức kiểm soát quyền lực nhà nước".
Cảnh tượng khiến nước Mỹ và cả thế giới ám ảnh. Ảnh: NYC Police Aviation Unit
"Gửi tới tất cả những tổ chức có liên quan (các hãng hàng không, công ty tố tụng, công ty điều tra, FBI, TSA, FAA, ngân hàng, công ty an ninh và những công ty khác nữa), chúng tôi sẽ thiêu rụi tất cả nếu không ai chịu hợp tác. Chúng tôi đang bóc các lớp dữ liệu như tách lớp một củ hành. Không ai có thể cứu các người đâu. Hãy trả tiền đi."
Tuy nhiên, mặt khác, tổ chức hacker lại bày tỏ hi vọng cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục đóng góp tiền để nhóm công bố đầy đủ 18.000 tài liệu.
"Chúng tôi không thể để truyền thông đại chúng im lặng trước sự thật lâu hơn được nữa. Chúng tôi sẽ đảm bảo mọi lời bịp bợm bị hủy diệt bởi sự thật".
Dark Overlord khẳng định đã nắm trong tay những thông tin tuyệt mật từ Silverstein Properties, tổ chức đứng tên khu tổ hợp Trung tâm Thương mại Thế giới và nhiều cơ quan chính phủ khác.
Những bí ẩn chính phủ Mỹ "không chịu" trả lời
Tuy gần 18 năm đã trôi qua, nhưng những chi tiết về vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 vẫn chưa được Nhà Trắng hé lộ toàn vẹn.
Rất nhiều sự việc "đáng ngờ" đã xảy ra mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng, trong đó không thể không kể tới giả thuyết Lầu Năm Góc bị bắn bởi chính tên lửa của Mỹ và tòa Trung tâm Thương mại Thế giới số 7 sập do bị giật mìn chứ không phải ảnh hưởng từ vụ va chạm máy bay.
Một tài khoản trên RT bình luận: "Tất cả các hộp đen trong vụ khủng bố đều được thu lại nhưng Mỹ không bao giờ công bố chúng. Vụ tấn công Lầu Năm Góc không hề có bằng chứng bằng ảnh hoặc video rõ ràng trong khi đây là một trong những địa điểm được giám sát và theo dõi bằng hình ảnh gắt gao nhất toàn cầu. Thật không thể tin nổi."
Vết va chạm giữa máy bay số 77 và Lầu Năm Góc. Ảnh: Bộ Quốc Phòng Mỹ
Trang History.com cũng xác nhận điều này. Dữ liệu bằng hình về cuộc tấn công Lầu Năm Góc vào năm 2001 không hề cho thấy bằng chứng chắc chắn về hiện trường vụ máy bay rơi.
Một số người đặt giả thuyết rằng Lầu Năm Góc không phải bị tấn công bởi máy bay số hiệu 77 mà bởi một tên lửa hoặc một thiết bị bay không người lái. Bên cạnh đó, những tổn thất đối với công trình cũng được đánh giá là quá bé nếu so với kích cỡ của một máy bay thương mại.
Việc máy bay (bị cướp bởi không tặc nghiệp dư) lao được tới tận trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng là câu hỏi chưa có lời giải.
Nhà hoạt động chính trị Thierry Meyssan và nhà làm phim Dylan Avery cho rằng máy bay 77 không hề đâm vào Lầu Năm Góc. Trong cuốn sách "9/11: The Big Lie" (tạm dịch: Ngày 11/9: Lời nói dối vĩ đại), Meyssan viết: "Làm thế nào để một chiếc máy bay có chiều ngang 38,1m và chiều dài 47,2m vừa được vết nứt chỉ dài 18,2m?".
Tuy nhiên, một số kĩ sư đã đáp trả lại giả thuyết nói trên. Mete Sozen, giáo sư về công trình dân dụng tại Đại học Purdue, phản bác: "Khi máy bay 77 đáp xuống, một cánh đập xuống đất và cánh còn lại va chạm mạnh với các trụ của Lầu Năm Góc."
Còn theo tờ Architecture Week, nguyên nhân Lầu Năm Góc đứng vững như vậy là do vùng công trình bị tấn công mới được tu sửa.
Trong khi đó, việc Trung tâm Thương mại Thế giới số 7 bị sụp đổ một cách thẳng tuột đối xứng, trong thời gian rất ngắn (chỉ khoảng 7 giây) lại khiến nhiều người hoài nghi hơn bao giờ hết.
Tháp 7 sụp theo chiều thẳng đứng sau vụ tấn công khủng bố Tòa Tháp đôi vào ngày 11/9.
Theo Viện Quốc gia về Tiêu chuẩn và Công nghệ Mỹ, Tháp 7 bị sập là do cháy lớn kéo dài trong 7 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, quy mô của đám cháy theo những bức hình được chụp lại đã không thuyết phục được giới chuyên gia và công chúng.
Ngoài ra, đống đổ nát của Tháp 7 được cho là "quá gọn gàng". Các chuyên gia và kiến trúc sư nhận định, nếu xét tới việc công trình sập xuống với tốc độ rơi tự do và cân xứng, thì đây không thể nào là quá trình sập tự nhiên do cháy. Điều đó chứng tỏ thuốc nổ và "bàn tay ai đó" đã tác động vào tòa nhà này.
Ngọn lửa cháy âm ỉ tại tháp 7 được cho là không đủ lớn để khiến cả tòa tháp sụp "gọn gàng" như vậy. Ảnh: 911research
Một điểm đáng nghi vấn khác được đặt ra sau khi phần lớn bê tông và sắt thép của Tháp 7 được dọn đi một cách nhanh chóng vào ngày 23/9 - tức 12 ngày sau vụ khủng bố - trong khi quá trình điều tra chưa được thực hiện một cách toàn diện và cụ thể.
Tại hiện trường Tháp 7 sụp, có rất nhiều phóng viên tác nghiệp nhưng có rất ít đoạn phim, bức ảnh ghi lại cận cảnh vụ hỏa hoạn thiêu hủy tòa tháp. Gần 18 năm sau vụ việc kinh hoàng, những bí ẩn này vẫn chưa được giải thích thỏa đáng.