Đối đầu Iran - Ả rập Xê út đã vượt quá giới hạn Trung Đông

Đức Dũng |

Sau khi Quốc vương Salman lên nắm quyền, chính sách của Ả rập Xê út đã trở nên cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm, nhất là trong giải quyết mâu thuẫn với Iran. Mâu thuẫn này không còn gói gọn trong khu vực Trung Đông mà đã vượt lên phạm vi toàn cầu

Ả rập xê út đang tìm mọi cách cô lập Iran

Theo nhận định của Reuters, sau khi Salman lên nắm quyền, Ả rập xê út đã tăng cường chống Iran trên mọi mặt trận, ngăn chặn Iran gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi, châu Á và thậm chí cả ở châu Mỹ La tinh.

Hiện nay, đối đầu quân sự trực tiếp giữa Ả rập xê út và Iran đang diễn ra ở hầu hết các mặt trận như Syria, Iraq, Yemen.

Mâu thuẫn chính trị cũng đang ngày càng gia tăng khi Riyadh cố gắng cô lập Tehran ở mọi nơi có thể, điển hình nhất là việc Ả rập xê út thành lập Liên minh Hồi giáo chống khủng bố và không cho Iran tham gia với lý do Iran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Về phần mình, tất nhiên Iran bác bỏ mọi cáo buộc của Ả rập xê út nhưng Ả rập xê út vẫn đang tìm mọi cách để thuyết phục hoặc gây áp lực lên các quốc gia khác để họ cắt đứt quan hệ với Iran.

Điển hình nhất là Lebanon, quốc gia mà tổ chức vũ trang Hezbollah được Iran ủng hộ đang hoạt động rất tích cực. Ả rập xê út đã từ chối hỗ trợ tài chính cho Lebanon sau khi Beirut từ chối lên án Iran sau vụ Đại sứ quán của Ả rập xê út tại Iran bị tấn công.

Cạnh tranh giữa quốc gia hàng đầu trong thế giới Ả rập và Cộng hòa Hồi giáo Iran trong việc giành ảnh hưởng ở Trung Đông đã nảy sinh từ khá lâu.

“Trong nhiều trường hợp, cạnh tranh giữa Ả rập xê út với Iran đã bắt đầu vượt quá giới hạn khu vực Trung Đông cho dù trước đó cạnh tranh chỉ gói gọn ở khu vực này”- Reuters trích dẫn lời phân tích của giáo sư Mekhran Kamrava thuộc Đại học Tổng hợp Qatar.

Sau khi các lệnh cấm vận chống Iran được dỡ bỏ hồi tháng 1/2016, Ả rập xê út quan ngại rằng Iran sẽ có thêm các nguồn lực để thúc đẩy sự lớn mạnh của Hồi giáo dòng Shitte ra khỏi khu vực Trung Đông.

Riyadh cho rằng sau một thời gian dài đảm bảo sự cân bằng trong khu vực này, Mỹ đang dần chuyển hướng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, Ả rập xê út đã có kế hoạch sẽ vươn tầm để thay thế vị trí của Mỹ.

Reuters cũng đánh giá rằng Ả rập xê út hiện cũng đang đẩy mạnh chính sách kiềm chế Iran ở các khu vực khác. Một trong những công cụ quan trọng của Ả rập xê út để thực hiện chính sách này là Liên minh chống khủng bố do Riyadh thành lập trước đó.

Ngoài ra, hiện Ả rập xê út cũng đang rất tích cực tìm kiếm các đồng minh để chống Iran ở khắp mọi nơi có thể. Đối với phần lớn các nước Hồi giáo có thái độ thân dòng Sunni thì chiến lược của Ả rập xê út đều gặp thuận lợi.

Tuy nhiên, Pakistan dường như lại là ngoại lệ khi Islamabad không muốn “hủy hoại” mối quan hệ vốn đang tốt đẹp với Iran.

Ả rập xê út cũng đang tích cực lôi kéo cường quốc có ảnh hưởng nhất ở Nam Á là Ấn Độ chống Iran nhưng Ấn Độ vẫn đang giữ lập trường quan hệ tốt với cả hai đối thủ đang cạnh tranh nhau này.

Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thực hiện chuyến thăm đến cả Iran và Ả rập xê út. Sau chuyến thăm này, Ấn Độ đã gia tăng sản lượng dầu mua của Ả rập xê út nhưng cũng đồng thời trợ giúp Iran tài chính để xây dựng cảng biển mới.

Cạnh tranh quyết liệt cả ở châu Phi

Châu Phi là lục địa có không ít các quốc gia Hồi giáo nên cạnh tranh ảnh hưởng giữa Iran và Ả rập xê út tại lục địa này cũng diễn ra khá căng thẳng. Ưu thế cạnh tranh hiện đang nghiêng về Ả rập xê út khi một loạt quốc gia châu Phi đầu năm 2016 đã hủy quan hệ với Iran.

Quyết định này được đưa ra sau khi Đại sứ quán Ả rập xê út tại Iran bị tấn công (để trả đũa việc Ả rập xê út hành hình cơ sở truyền giáo dòng Shitte).

Ả rập xê út cũng đang tích cực “ve vãn” các quốc gia châu Phi này khi mời Tổng thống Zambia Edgar Lunga sang thăm Ả rập xê út sau khi nhân vật này có nhiều bài phát biểu chống lại Iran.

Tuy nhiên, Iran cũng không có ý định sớm “đầu hàng” Ả rập xê út ở châu Phi. Iran đang tích cực truyền bá tư tưởng Hồi giáo dòng Shitte vào các nước Hồi giáo ở châu Phi, tích cực sử dụng “sức mạnh mềm” để gia tăng ảnh hưởng.

Trong số các nước châu Phi, Iran phát triển quan hệ mạnh mẽ nhất với Sudan. Năm 2012, 2 tàu quân sự của Iran đã cập cảng Sudan, cảng nằm cách Biển Đỏ của Ả rập xê út không xa.

Ngay sau đó, Ả rập xê út đã gia tăng mạnh mẽ hỗ trợ cho Sudan, nâng mức hỗ trợ lên mức 11 tỷ USD, đồng thời phản đối lệnh bắt giữ quốc tế đối với Tổng thống Sudan Omar Bashir.

Kết quả là đến tháng 1/2016, Sudan cũng đã cắt đứt quan hệ với Iran. Theo sau Sudan có thể kể đến Somali, Djibuti (Djibuti mới đây đã nhận được gói trợ giúp 50 triệu USD từ Ả rập xê út).

Trên mặt trận kinh tế

Riyadh hiện cho rằng mình đã giành được ưu thế trong cạnh tranh chính trị và vấn đề duy nhất là cần tăng cường cạnh tranh trong mặt trận kinh tế. Cạnh tranh kinh tế giữa hai cường quốc này chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực dầu mỏ và mặt trận chính là OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ).

Ả rập xê út hiện được coi là “thủ lĩnh” không chính thức của OPEC và Iran là đối thủ chính. Tháng 4/2016, Iran gần như đã phá vỡ thỏa thuận về việc “đóng băng” sản lượng khai thác dầu và tuyên bố sẽ khôi phục sản lượng khai thác dầu đến mức như trước khi chịu các lệnh cấm vận quốc tế.

Quan điểm cứng rắn này của Iran đã khiến các quốc gia OPEC không thể ký kết được thỏa thuận (về hạn chế khai thác dầu) trong Hội nghị Thượng đỉnh tuần vừa qua của OPEC.

Gần như ngay lập tức, Ả rập xê út đã quyết định giảm giá bán dầu cho các nước Tây Bắc Âu 35 cent/thùng và 10 cent/thùng đối với các nước Nam Âu. Đây là động thái tưởng như rất lạ vì nhu cầu dầu mỏ thường tăng cao vào quý II hàng năm.

Tuy nhiên, động thái này được thực hiện chính là nhằm vào Iran khi Iran bắt đầu khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu vào các nước châu Âu từ tháng 2 vừa qua.

Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến trong lĩnh vực này giữa Iran và Ả rập xê út sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại