Năm 1961, Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung Jupiter trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Các quả tên lửa này có thể nhanh chóng và dễ dàng bay tới phần phía Tây của Liên Xô, bao gồm cả thủ đô Moscow.
Vào tháng 2 năm đó, Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) báo cáo với ban lãnh đạo Xô viết rằng người Mỹ đang có kế hoạch tổ chức một chiến dịch lật đổ chính phủ của nhà cách mạng Fidel Castro ở Cuba. Đáp lại các hành động này của Mỹ, Liên Xô quyết định bố trí các đơn vị quân sự thường trực cũng như một số tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ Cuba. Vào tháng 10/1961, căng thẳng leo thang đến mức Mỹ chuẩn bị tiến hành một cuộc xâm chiếm lớn nhằm vào “Hòn đảo tự do”.
Ảnh tổng hợp về đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ vào năm 1962. Trong ảnh có chân dung Nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev (trái) và Tổng thống Mỹ Kennedy. Nguồn: RT.
Các sự kiện này về sau được biết đến với cái tên “Khủng hoảng tên lửa Cuba” - một chuỗi các diễn biến nguy hiểm gần như đẩy thế giới vào một cuộc Thế chiến thứ 3 mà trong đó, yếu tố hạt nhân rất khó tránh khỏi.
Năm 1962 là năm Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh cao.
Kế hoạch của Mỹ đối với Cuba và biện pháp đối phó của Liên Xô
Vào ngày 13/3/1962, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara trình kế hoạch Chiến dịch Northwoods lên Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Mục tiêu chính của kế hoạch này là lật đổ chính quyền Fidel Castro thông qua một cuộc xâm chiếm Cuba. Tuy nhiên, mục đích chính của chiến dịch này thực chất là hạ uy tín của chính quyền cách mạng Cuba trong con mắt người dân Mỹ.
Kế hoạch trên do các quan chức hàng đầu của Mỹ bí mật xây dựng, trong số này có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Lyman Lemnitzer. Tổng thống Kennedy không phê chuẩn dự thảo được đề xuất và tướng Lemnitzer nhanh chóng bị cách chức. Tuy nhiên, người Mỹ tiếp tục phát triển các chiến dịch liên quan đến Cuba.
Sau đó, Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev nói với Ngoại trưởng nước này Andrey Gromyko: “Chúng ta cần triển khai một số tên lửa hạt nhân ở Cuba . Đó là cách duy nhất có thể cứu quốc gia này…”.
Lãnh tụ Fidel Castro đã đưa ra yêu cầu trên vài lần. Đoàn chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ủng hộ sáng kiến của ông Khrushchev, chỉ có duy nhất một cán bộ chống lại, đó là Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ( tức Phó Thủ tướng thứ nhất - ND ) Anastas Mikoyan.
Vào ngày 28/5/1962, một phái đoàn Liên Xô khởi hành đi Havana (Cuba) tổ chức hội đàm với các nhà lãnh đạo Cuba là Fidel và Raul Castro, trong đó họ giải thích đề xuất của Moscow. Các chính trị gia Cuba mất một ngày để suy nghĩ về kế hoạch và sau đó đồng ý với việc triển khai tên lửa như đề xuất.
Bí mật chuyển “hàng nóng” sang Cuba
Cuba được cho là sẽ nhận 2 loại tên lửa đạn đạo: 24 R-12 (bán kính phóng là 2.000km) và 16 R-14 (bán kính 4.000km). Sức công phá của các tên lửa này lên tới 1 megaton. Theo kế hoạch, tên lửa này sẽ được đưa khỏi Ukraine (khi đó thuộc Liên Xô) và phần châu Âu của nước Nga sang Cuba.
Vào tháng 6, Chiến dịch Anadyr đã sẵn sàng triển khai. Các tàu chở hàng thẳng tiến tới Cuba. Nhưng để đánh lừa người Mỹ, nhân viên trên các tàu này được hướng dẫn là họ sắp tới Chukotka (vùng Viễn Đông Nga ), đồng thời họ được cấp áo lông và thiết bị trượt tuyết. Người ta phán đoán Mỹ sẽ cho rằng Liên Xô chuẩn bị cho hoạt động nào đó ở miền Bắc nước này.
Tổng cộng 85 tàu đã được lựa chọn để vận chuyển binh sĩ. Để giữ bí mật, thậm chí các thuyền trưởng cũng không hay biết điểm đến cuối cùng là gì và loại hàng họ sắp vận chuyển.
Các con tàu đầu tiên trong số đó tới Cuba vào đầu tháng 8/1962. Vào ngày 8/9, “lô hàng” đầu tiên đã được dỡ khỏi tàu, lô thứ 2 đến vào ngày 16/9.
Tuy nhiên, chiến dịch do Nguyên soái Liên Xô Ivan Bagramyan chỉ huy có một khiếm khuyết lớn. Việc vận chuyển bí mật tên lửa sang Cuba đã thành công nhưng việc che giấu các tên lửa này trên hòn đảo Cuba thường xuyên bị máy bay trinh sát U-2 của Mỹ theo dõi là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều.
Đỉnh điểm đối đầu
Bất chấp các khó khăn, tất cả 40 quả tên lửa và thiết bị hỗ trợ đã được bàn giao cho Cuba vào giữa tháng 10/1962. Khoảng 40.000 binh sĩ Liên Xô triển khai đóng trên hòn đảo này.
Vào ngày 16/10, Tổng thống Kennedy lập một đội phản ứng khủng hoảng bao gồm các quan chức hàng đầu. Một số vị trong đó đề xuất tấn công vào các tên lửa Liên Xô trên đảo Cuba, nhưng cuối cùng đội này lựa chọn một chiến lược khác. Vào ngày 20/10, Washington ra lệnh phong tỏa hải quân đối với Cuba.
Điều thú vị ở đây là bản thân lệnh phong tỏa là hành động gây hấn. Theo quy định của Liên Hợp Quốc, “việc lực lượng vũ trang của một nước phong tỏa các cảng hoặc bờ biển của một nước khác” dù không có tuyên chiến chính thức thì vẫn bị coi là hành động chiến tranh.
Do vậy, để tránh vi phạm quy định của Liên Hợp Quốc, Mỹ đã sử dụng thuật ngữ “cách ly”. Mục đích là ngăn chặn mọi nỗ lực cung cấp hàng quân sự cho Cuba.
Theo thông tin tình báo do một điệp viên tình báo quân sự Liên Xô ở Washington cung cấp, Mỹ cũng củng cố căn cứ Guantanamo (đây cũng là một yếu tố chính yếu của Chiến dịch Northwoods) và bắt đầu chuẩn bị gia tăng mức độ sẵn sàng chiến đấu của một số đơn vị. Các máy bay trinh sát U-2 của Mỹ bắt đầu tuần tra không phận Cuba dày đặc hơn - tới 6 lần/ngày so với 2 lần/tháng trước đây.
Liên Xô coi các hành động của Mỹ là “chưa có tiền lệ, mang tính gây hấn”, và họ quyết định nâng mức độ báo động cho các binh sĩ của mình.
Vào ngày 24/10, Nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev viết cho Tổng thống Mỹ Kennedy: “Về phần mình, chúng tôi sẽ buộc phải thực thi các biện pháp chúng tôi cho là cần thiết và đủ để bảo vệ các quyền của chúng tôi”.
Thế đối đầu lên đến đỉnh cao. Điều rõ ràng là Mỹ và Liên Xô đã đẩy rủi ro lên mức cao nhất. Thế giới sau đó sẽ nhanh chóng đối mặt với cuộc chạm trán vũ trang trực tiếp đầu tiên giữa hai cường quốc hạt nhân./. (Còn nữa)