Không đánh đồng dự án tốt với “có vấn đề
Bộ Tài chính mới đây ra văn bản yêu cầu kể từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành.
Yêu cầu tương tự cũng được Bộ Tài chính “nhắc” Hà Nội khi thông tin về việc Hà Nội muốn đổi đất lấy 5 dự án về hạ tầng xuất hiện trên mặt báo.
Dự án BT với tên gọi là dự án “đổi đất lấy hạ tầng” được coi là một phương án tích cực để giải quyết vấn đề phát triển hạ tầng. Thực tế, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ khiến nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia cũng như ở các địa phương tăng mạnh.
Thế nhưng, ngân sách lại phải đối mặt với áp lực giảm bội chi và nợ công khiến cho việc thu hút đầu tư theo hình thức BT có sự tăng cường trở lại.
Hồi đầu 2018, UBND TP. Hà Nội đã trình và được đồng ý về chủ trương cho nghiên cứu đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị gồm: Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, Tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.
Đáng chú ý, các dự án có tổng vốn lên tới 125 nghìn tỷ đồng này được đề xuất giao cho tư nhân đầu tư theo hình thức BT. Hà Nội từ chối làm các dự án này theo cách vay vốn ODA như nhiều dự án khác để “giảm bớt áp lực ngân sách” và nợ công.
Đó là mặt tích cực của BT. Tuy nhiên, còn những vấn đề của BT cũng đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Cụ thể, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.
Trả lời báo chí, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, cho rằng trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước eo hẹp, các dự án BT là một giải pháp quan trọng để nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bản chất hình thức đầu tư BT là tốt, song khi thực hiện có một số dự án đã đi sai hướng so với mục đích tốt đẹp ban đầu.
Cho nên, theo bà An, phải giám sát, đánh giá lại các dự án này, dự án nào tốt, dự án nào chưa tốt, nguyên nhân, bất cập thế nào, nếu sai, phải kiên quyết sửa để giữ tài sản cho dân.
"Lúc này chúng ta đang cần vốn, nguồn lực để phát triển bền vững, nên dứt khoát phải có giám sát, đánh giá, không thể vì chuyện đã lỡ rồi mà bỏ qua hoặc đánh đồng tất cả đều có vấn đề".
Không để ách tắc
Để quản lý chặt chẽ các dự án BT, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Tờ trình Chính phủ số 145/TTr-CP ngày 06/10/2017).
Song đến nay, Nghị định chưa được ban hành. Vì Nghị định chưa ban hành, nên Bộ Tài chính mới đề nghị các địa phương tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT như đã nói ở trên.
Việc trình ban hành Nghị định này là cần thiết để hoàn thành khung pháp lý theo yêu cầu phát triển của thực tế. Tuy nhiên, việc dừng hẳn các hoạt động đầu tư kinh doanh để chờ chính sách là việc không nên vì có thể gây ra những ách tác và tác động không đáng có cho các bên.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Luật Basico cho rằng, việc thanh toán vẫn phải theo quy định hiện hành, cho đến khi có quy định mới.
“Lệch pha quản lý quy định thì không nên làm ách tắc cho dân, doanh nghiệp. Nghị định không ban hành được cùng thời điểm có hiệu lực của Luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì không phải chờ, trong khi quy định đã có”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
“Quy định đã có” theo vị luật sư này, là Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ban hành ngày 4/5/2018 và có hiệu lực vào ngày 19/6/2018, trước đó là Nghị định 15/2015/NĐ-CP theo hình thức đối tác công tư ngày 14/2/2015.
Có nghĩa, Nhà nước vẫn phải thanh toán toàn bộ giá công trình đã đầu tư, bao gồm cả mức lợi nhuận được hai bên thỏa thuận theo hợp đồng đã ký trước đó, không vì Nghị định kể trên mà thay đổi.
Ngay bản thân dự thảo Nghị định về thanh toán cho nhà đầu tư BT cũng có một điều khoản chuyển tiếp.
Theo đó, “đối với các Hợp đồng BT thanh toán bằng giao quỹ đất cho Nhà đầu tư để thực hiện Dự án khác được ký kết theo quy định của pháp luật trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành; không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định tại Nghị định này”.
“Luật, Nghị định không chỗ nào bảo chờ, mà đều có quy định về thanh toán rồi. Giờ muốn dừng thì phải có Nghị quyết của Quốc hội, hay ít ra Nghị quyết của Chính phủ chứ không phải một công văn của Bộ”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Nhưng điều quan trọng hơn, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước eo hẹp, các dự án BT là một giải pháp quan trọng để Nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bản chất hình thức đầu tư BT là tốt, song khi thực hiện một số dự án đã đi sai hướng so với mục đích tốt đẹp ban đầu. Vì thế, nếu sai thì xử lý cụ thể không thể vì 1 -2 cái sai mà tất cả phải dừng chờ khiến cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của xã hội bị ách tắc.