Chiều 19/3, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
TP Bến Cát được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 234,35 km2 và quy mô dân số là 364.578 người của thị xã Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.
Sau khi thành lập TP Bến Cát có 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An.
Định hướng đến năm 2030, Bến Cát là đô thị công nghiệp - dịch vụ; đến 2040 là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông; có hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh, kết nối thông suốt với các tuyến đường trọng điểm, các khu công nghiệp, đô thị phía nam của tỉnh.
TP Bến Cát có 8 khu công nghiệp và một khu sản xuất tập trung, giải quyết việc làm cho khoảng 180.000 lao động. Tổng thu ngân sách năm 2022 của thị xã đạt hơn 2.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 89,4 triệu đồng/năm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD.
Tỉnh có nhiều thành phố hơn huyện
Hiện tại, Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện và 5 thành phố; là tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước.
Đáng chú ý, tỉnh này còn có số thành phố nhiều hơn số huyện, với 4 huyện (Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên) và tới 5 thành phố (TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên, TP Bến Cát).
Những năm qua, với sự phát triển của hệ thống đô thị, Bình Dương luôn là một trong những cực tăng trưởng của khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 31.426 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2023. Giải ngân ước đạt 1.541 tỷ đồng, đạt 7% kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỉnh đã thu hút được 14.063 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 21.393 tỷ đồng, thu hút được 158,3 triệu vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Riêng các khu, cụm công nghiệp thu hút 132 triệu USD vốn FDI, cho thuê được 12,8 ha đất. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) đã giải ngân vốn đầu tư 965 triệu USD, doanh thu đạt 10,3 tỷ USD, xuất khẩu đạt 5,9 tỷ USD.
Để tạo thêm động lực phát triển trong thời gian tới, UBND tỉnh đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để kịp tiến độ đầu tư các KCN VSIP III giai đoạn 2, Rạch Bắp (mở rộng), Tân Bình, Đất Cuốc (mở rộng). Tỉnh cũng đang nghiên cứu đầu tư KCN chuyên ngành cơ khí khoảng 800 ha, thu hút các ngành cơ khí ô tô và tạo tiền đề phát triển công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, đầu tư KCN khoa học công nghệ…
Ước tổng thu ngân sách quý I là 18.415 tỷ đồng, đạt 28% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 26% dự toán HĐND tỉnh, bằng 97% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 ước tăng 3,87% so với cùng kỳ năm 2023. Ước kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2024 đạt gần 8 tỷ USD, tăng 16,2%.
Nhận định về kinh tế quý II/2024, Cục Thống kê tỉnh Bình Dương cho biết qua khảo sát tại 400 doanh nghiệp cho thấy, có 42% doanh nghiệp tin tưởng có nhiều khả năng tích cực hơn và 21,3% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh sẽ có những khó khăn nhất định.