Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Trần (Trung Quốc) đang được lan truyền trên nền tảng Toutiao.
Dốc lòng giúp bạn khi khó khăn
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, cả cuộc đời tôi gắn bó với mấy sào ruộng. Đây cũng là nguồn sống để vợ chồng tôi nuôi 3 đứa con ăn học. Tiền thu được từ việc bán thóc không được nhiều, chỉ đủ để gia đình tôi ăn tiêu hàng ngày.
Chính vì thế, tôi luôn nhắc nhở vợ con phải chi tiêu tiết kiệm và để dư ra một khoản phòng khi có biến cố. Bởi cuộc đời không ai là bằng phẳng. Nếu không may gặp những bất trắc mà lại không có tiền thì mọi chuyện càng rắc rối.
Khi các con dần học lên cao, áp lực tài chính đối với vợ chồng tôi ngày càng gia tăng. Riêng tiền học phí và sinh hoạt của chúng mỗi năm có thể lên đến 40.000 NDT (khoảng 136 triệu đồng). Nhìn thấy khoản tiền lớn phải lo, vợ chồng tôi cũng chỉ biết làm việc chăm chỉ. Tuy trình độ học vấn thấp song vợ chồng tôi hiểu được rằng để đổi đời, cách duy nhất là học.
Trước mỗi mùa xuân, vợ chồng tôi thường cố gắng chuẩn bị trước ½ các khoản phải lo cho 3 người con. Tuy nhiên, năm 2013 lại khác. Sau lễ hội mùa xuân, người bạn thân nhất, Tiểu Khương muốn tìm gặp tôi.
Chúng tôi đã hẹn nhau vào lúc 8h tối ở quán nước gần nhà. Có lẽ, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người bạn của mình rơi nước mắt. Tiểu Khương nói rằng mẹ của anh bị bệnh nặng phải điều trị tích cực suốt 6 tháng. Mọi đồ vật trong nhà đều đã được bán để lo viện phí.
Tưởng rằng sức khỏe của bà sẽ bình phục và ra viện sớm. Nhưng bác sĩ lại thông báo rằng bà tiếp tục phải phẫu thuật do có những biến chứng bất thường. Không còn cách nào khác, người bạn này đã đến tìm tôi để vay gấp 20.000 NDT.
Càng chia sẻ, Tiểu Khương càng cúi mặt xuống như đang cố gắng che đi những giọt nước mắt đang trào ra. Biết bạn mình khó khăn thật, tôi cũng thẳng thắn giãi bày. “Gia đình tôi đang có 20.000 NDT. Số tiền này sẽ được gia đình tôi dùng để trang trải học phí và tiền sinh hoạt cho các con trong năm tới. Tuy nhiên, việc cứu người quan trọng hơn. Tôi sẽ cho bạn vay 20.000 NDT (khoảng 68 triệu đồng)”.
Ngay khi chia sẻ như vậy, Tiểu Khương đã cảm ơn tôi rối rít. Sau đó, anh ấy đã dùng số tiền này để phẫu thuật cho mẹ, giúp bà sống thêm được vài năm.
Khi nhận tin sức khỏe của bà dần bình phục trở lại vợ chồng tôi vô cùng vui mừng. Dẫu sau đó, tôi đã phải đi vay mượn khắp nơi để bù vào các khoản học phí phải nộp cho các con.
Bạn trả tiền giả nhưng vẫn thấy ấm lòng
Khoảng 5 năm sau, Tiểu Khương đã mang 20.000 NDT đến nhà tôi để gửi lại. Anh ấy bày tỏ lòng biết ơn và xin lỗi rất nhiều vì đã để gia đình tôi phải chờ lâu. Nhìn hoàn cảnh của gia đình bạn, nên tôi cũng không hề trách gì.
Sau khi nhận tiền tôi cũng không đếm lại mà đưa thẳng cho vợ mình. Ngay ngày hôm sau, vợ tôi mang khoản tiền này đến ngân hàng để gửi tiết kiệm. Bất ngờ, giao dịch viên tại quầy phát hiện trong cọc tiền có 5 tờ tiền giả với tổng giá trị là 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng).
Sau khi nghe vợ kể lại, tôi nghĩ rằng chắc chắn có chút nhầm lẫn. Bởi gần 30 năm chơi với nhau, tôi hiểu người bạn này.
Mãi đến năm ngoái, con trai út của tôi đỗ đại học top đầu. Vợ chồng tôi đã tổ chức một bữa tiệc nhỏ để mời mọi người đến chung vui. Tiểu Khương cũng được chúng tôi mời đến trong bữa ăn ngày hôm đó.
Sau khi nhận phong bao lì xì màu đỏ từ người bạn, tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn. Bởi nó khá dày. Tôi đã lén mở ra thì phát hiện bên trong có đến 2.000 NDT. Số tiền này nhiều gấp 4 lần so với tiền mừng của những người thân bạn bè có mặt ngày hôm đó.
Sau khi bữa tiệc kết thúc, tôi đã kéo Tiểu Khương vào phòng riêng để trả lại 1 phần số tiền này. Không ngờ, ngay lập tức, anh bạn từ chối. “Bạn ơi, nếu lúc đó gia đình bạn không cho tôi mượn tiền thì mẹ tôi đã không thể sống thêm được mấy năm. Khi trả lại tiền, tôi hoàn toàn không biết trong cọc tiền đó có tiền giả. Sau này, vợ tôi kể chuyện mới biết có sự nhầm lẫn.
Do lúc đó thực sự khó khăn, chúng tôi chẳng dư đồng nào để đến giải thích và trả lại tiền cho bạn. Nên 2.000 NDT trong bao lì xì này là có tiền chúng tôi mừng cho cháu trai đỗ đại học. Một phần là chúng tôi muốn trả bù số tiền giả đã nhầm lẫn trước đó”, người bạn này nói.
Sau khi nghe được những lời giải thích đó, tôi cảm thấy vô cùng ấm lòng. Giờ đây, công việc kinh doanh của bạn tôi ngày càng phát triển. Vợ chồng anh ấy thường đến nhà tôi chơi và đem theo rất nhiều quà bánh. Thậm chí, Tiểu Khương hứa rằng sau khi con trai tôi ra trường sẽ được anh ấy lo cho công việc.