Trong bộ tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am, mỗi anh hùng của Lương Sơn Bạc đều sở hữu tính cách cũng như tài năng nổi bật thiên về một vế. Có người thì dũng mãnh khác thường, có người lại sở hữu trí tuệ vượt trội. Tuy nhiên, trong 108 vị anh hùng lại có một mãnh tướng vô cùng đặc biệt, trí dũng song toàn, đó là Đại Đao Quan Thắng.
Trong bảng xếp hạng 108 anh hùng của Lương Sơn Bạc, Quan Thắng đứng ở vị trí thứ 5. Ông là một trong 36 Thiên Cang Tinh của Lương Sơn và cũng là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc.
Quan Thắng là hậu duệ của Quan Vân Trường nhà Thục Hán
Quan Thắng vốn thuộc dòng dõi danh tướng Quan Vân Trường (Quan Vũ) nhà Thục Hán. Ông từng giữ chức Tuần kiểm phủ Bồ Đông (Phổ Đông) nằm trong phạm vi quản hạt của Bắc Kinh (Đại Danh). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã giải võ nghệ và rất thích đọc kinh thư.
Quan Thắng được trời phú cho sức mạnh muôn người khó địch. Sức mạnh của ông đã được thể hiện rất rõ trong trận chiến quân Lương Sơn tấn công phủ Đại Danh, một mình Quan Thắng đã đánh tan 15 chiến xa đối địch.
Không chỉ sở hữu võ nghệ cao cường, Quan Thắng còn là một người túc trí đa mưu. Chính nhờ mưu kế của Quan Thắng, các tướng của Lương Sơn và Nguyễn Tiểu Thất và Trương Hoành đều bị mai phục và bắt sống. Sau này, vì mắc mưu Ngô Dụng, Quan Thắng mới bị bắt và quyết định đầu phục Lương Sơn.
Trong Thủy Hử, Quan Thắng từng đối đầu với rất nhiều mãnh tướng của Phương Lạp, Vương Khánh, Điền Hổ, Liêu. Tuy nhiên, kết quả những cuộc đối đầu này Quan Thắng chưa từng thua trận mà chỉ thắng hoặc cùng lắm là hòa.
Dẫu là một chiến tướng hoàn hảo, độc cô là vậy nhưng cuộc đời của Quan Thắng lại kết thúc theo một kịch bản khá lãng xẹt mà ít ai ngờ tới. Trở về triều sau khi dẹp xong quân Phương Lạp, lập vô số chiến công, Quan Thắng đã nhậm chức Tổng quản binh mã Phủ đại danh thành Bắc Kinh. Đây là chức quan thuộc hàm Tứ phẩm trong triều đình.
Trong hồi 119 của Thủy Hử, tác giả Thi Nại Am có viết: “Quan Thắng giữ chức Tổng quản binh mã ở phủ Đại Danh thành Bắc Kinh, rất được lòng quân sĩ, ai nấy đều lấy làm khâm phục. Một hôm Quan Thắng đi thao luyện quân mã trở về, nhân lúc say rượu, sẩy chân ngã ngựa, lâm bệnh nặng rồi mất không lâu sau đó”.
Rõ ràng so với những hảo hán khác của Lương Sơn, cũng như những nhân vật xuất hiện trong Thủy Hử thì cái chết của Quan Thắng là lãng xẹt nhất.