Theo thống kê từ Hội đồng Vàng thế giới, Việt Nam là một trong số những quốc gia tiêu thụ vàng trên đầu người lớn trên thế giới.
Mặc dù quy mô tiêu thụ khá lớn, nhưng thị trường vàng Việt Nam hiện khá phân mảnh khi 70% thị phần vẫn thuộc về các cửa hàng vàng truyền thống. Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn như PNJ , Doji , SJC hiện chỉ chiếm khoảng 30% thị phần.
Theo báo cáo tài chính năm 2018, Doji (công ty mẹ, chưa bao gồm các công ty thành viên) ghi nhận doanh thu 63.126 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Lợi nhuận ròng năm 2018 của Doji cũng ghi nhận những con số tích cực với mức tăng trưởng 2,2 lần lên 80 tỷ đồng.
SJC ghi nhận doanh thu 20.871 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước và chấm dứt chuỗi 3 năm tăng trưởng liên tiếp. Với doanh thu giảm sút, lợi nhuận SJC trong năm qua giảm 65% xuống còn 28 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu PNJ năm 2018 tăng trưởng 33%, đạt 14.573 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng năm 2018 ghi nhận con số kỷ lục với 960 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.
Như vậy, doanh thu của Doji vẫn tiếp tục dẫn đầu, thậm chí nhiều hơn rất nhiều so với SJC và PNJ cộng lại nhưng lợi nhuận chỉ bằng 1/12 lần PNJ.
Sở dĩ có sự khác biệt giữa doanh thu, lợi nhuận của Doji, SJC với PNJ là do PNJ đã cơ cấu sản phẩm thay vì sản phẩm vàng miếng là chủ đạo như trong giai đoạn 2010-2011 chiếm tới khoảng 80% cơ cấu doanh thu, đến thời điểm 2018, trang sức vàng có tỷ trọng lớn nhất, đóng góp 80% doanh thu và 92% trong lợi nhuận gộp của PNJ.
Sau khi thay đổi cơ cấu sản phẩm, biên lợi nhuận gộp của PNJ đã cải thiện từ mức chỉ khoảng 4% lên đến 17,4% trong năm 2017 và đạt mốc 19% trong năm 2018.
Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của vàng miếng thường chỉ trong khoảng 0,1-0,5%, tương đương bán 1 lượng vàng 35 triệu đồng, chỉ lãi 35.000 đồng, và để lãi 1 tỷ đồng doanh thu phải lên đến 2.000 tỷ đồng.
So với PNJ, 2 “đại gia” trong lĩnh vực kinh doanh vàng khác là Doji và SJC vẫn khá “kiên trì” trong mảng kinh doanh vàng miếng nên biên lợi nhuận gộp của Doji và SJC khá thấp, duy trì dưới mức 1% trong nhiều năm qua bất chấp doanh thu lên tới tỷ USD.
Đến hết quý I/2019 PNJ đã có chuỗi 327 cửa hàng khắp Việt Nam, tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng vẫn được duy trì ở mức 2 con số. Quý I/2019 PNJ ghi nhận doanh thu thuần hơn 4.783 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 428 tỷ đồng. Yếu tố tăng doanh thu của PNJ chủ yếu vẫn tập trung mạnh vào trang sức vàng.
Trong một báo cáo mới đây của Chứng khoán KB, công ty chứng khoán này nhận định thị trường bán lẻ trang sức Việt Nam có tính phân mảnh cao, khá giàu tiềm năng và có cơ hội tăng trưởng mạnh trong những năm sắp tới, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các doanh nghiệp như PNJ tham gia đặc biệt khi tình hình kinh tế khởi sắc và sức chi tiêu tốt.
Tuy nhiên, rủi ro cũng được KB đề cập, để mở rộng chuỗi cửa hàng, công ty đã chịu áp lực tài chính với chi phí bán hàng và quản lý tăng cao. Ngành tiêu dùng xa xỉ phẩm phụ thuộc nhiều vào chu kì kinh tế, khi kinh tế suy giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sẽ giảm do đây không phải là mặt hàng có tính thiết yếu.