Doanh thu hai chuỗi thương hiệu có "rồng" trong tên: Một thu 1.500 tỷ/năm, bên kia gấp hơn 10 lần

Dy Khoa |

Đây là hai chuỗi thương hiệu có độ nhận diện rất cao, với độ phủ các cửa hàng rộng khắp.

Nhân dịp năm Rồng (hay Long) - Giáp Thìn 2024, chúng ta cùng điểm lại thành tích kinh doanh của hai chuỗi thương hiệu Long Châu (chuỗi nhà thuốc thuộc Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT) và Phúc Long (chuỗi cửa hàng trà sữa thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan).

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023 của Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), chuỗi Long Châu tăng 560 lên gần 1.500 cửa hàng. Doanh thu chuỗi nhà thuốc này tăng đến 66% lên gần 16.000 tỷ đồng và chiếm một nửa tổng nguồn thu của FPT Retail. Năm trước đó, nguồn thu từ Long Châu mới chỉ chiếm trên 30% tổng doanh thu của nhà bán lẻ này.

FPT Retail cho biết doanh thu trung bình mỗi nhà thuốc Long Châu hàng tháng vẫn ở mức xấp xỉ 1,1 tỷ đồng trong năm ngoái. Long Châu cũng đang bỏ xa các đối thủ khác trên thị trường như Pharmacity, An Khang về số lượng các cửa hàng.

Theo SSI Research, Long Châu sở hữu những lợi thế cạnh tranh nhất định so với các công ty cùng ngành như phạm vi sản phẩm rộng hơn, quy mô lớn hơn và doanh thu từ thuốc kê đơn cao hơn giúp chuỗi có thể giành được thị phần từ kênh bệnh viện. Đơn vị này dự tính chuỗi nhà thuốc Long Châu có thể đạt lợi nhuận 385 tỷ đồng năm 2024.

Website chuỗi nhà thuốc Long Châu cho biết thương hiệu "Long Châu" được thành lập vào năm 2007. Đến năm 2017, thương hiệu này chính thức trực thuộc Tập đoàn FPT với 8 nhà thuốc tại TP HCM.

Doanh thu hai chuỗi thương hiệu có

Năm 2023, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt gần 16.000 tỷ đồng.

Các giai đoạn sau đó, chuỗi này được mở rộng với tốc độ "vũ bão". Cụ thể, năm 2019, mở rộng quy mô với 32 nhà thuốc tại 5 tỉnh thành. Năm 2020, vượt mốc 200 nhà thuốc tại 50 tỉnh thành trên toàn quốc.

Năm 2021, chuỗi này có 400 nhà thuốc tại 53 tỉnh thành trên toàn quốc. Năm 2022, đã có hơn 1.000 nhà thuốc mang thương hiệu Long Châu tại khắp các tỉnh thành toàn quốc.

"Với ưu thế về giá cả cạnh tranh, cung ứng đủ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chính hãng, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn cùng đội ngũ dược sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, nhà thuốc FPT Long Châu là địa chỉ uy tín và đáng tin cậy cho tất cả người dùng Việt Nam. Sở hữu hệ thống hơn 1.000 nhà thuốc, FPT Long Châu trở thành chuỗi nhà thuốc đầu tiên và duy nhất phủ khắp 63 tỉnh thành Việt Nam", đoạn giới thiệu đầy tự hào được đăng trên website của Bán lẻ kỹ thuật số FPT.

Mới đây, thương hiệu Long Châu đã khai thương thêm chuỗi tiêm chủng vaccine. Đây được cho là bước đi mới của FPT Retail trong việc mở rộng hoạt động mảng kinh doanh dược phẩm sau thành công của chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Trà sữa Phúc Long có biên lợi nhuận gần 65%

Với Phúc Long, theo báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN), trong năm 2023, chuỗi trà sữa này ghi nhận doanh thu 1.535 tỷ đồng. Phúc Long là mảng có biên lợi nhuận gộp cao nhất của Masan, với gần 65%, cao hơn mức 27,8% bình quân của cả tập đoàn.

Trong năm 2024, Masan đặt mục tiêu chuỗi Phúc Long dự kiến doanh thu đạt 1.790 - 2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17% - 41% so với cùng kỳ. Masan cũng cho biết với chuỗi Phúc Long dự kiến sẽ mở từ 30 - 60 cửa hàng mới ngoài WinCommerce (bao gồm cửa hàng tiêu chuẩn, cửa hàng Flagship và ki ốt). Số cửa hàng mở mới tập trung ở Hà Nội và TP HCM.

Được thành lập từ năm 1968 bởi ông Lâm Bội Minh - một đại gia kín tiếng với giới truyền thông, Phúc Long là thương hiệu trà và café được giới trẻ ưa chuộng, nổi bật bởi các thức uống kết hợp giữa vị đậm và đặc trưng của trà, café, kết hợp với phương pháp pha chế dẫn đầu xu hướng.

Doanh thu hai chuỗi thương hiệu có

Trong năm 2023, chuỗi trà sữa Phúc Long ghi nhận doanh thu 1.535 tỷ đồng.

Tháng 5/2021 là bước ngoặt với Phúc Long khi "ông lớn" tiêu dùng - bán lẻ Masan Group chi 15 triệu USD để sở hữu 20% cổ phần chuỗi F&B này. Sau hai lần mua thêm cổ phần vào năm 2022, Masan đã sở hữu kiểm soát chuỗi Phúc Long với tỷ lệ 85%.

Tính đến cuối năm 2022, Phúc Long có 132 cửa hàng flagship, tăng gấp đôi số lượng kể từ khi được Masan mua lại và thu hẹp khoảng cách đáng kể so với các thương hiệu F&B khác.

Theo thống kê của Statista, quy mô thị trường trà tại Việt Nam có giá trị 3,1 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt xấp xỉ 3,7 tỷ USD vào năm 2025.

Ở một báo cáo khác riêng về thị trường trà sữa, Momentum Works và qlub cho thấy Việt Nam là thị trường tiêu thụ trà sữa đứng thứ ba Đông Nam Á với quy mô 362 triệu USD. Trà sữa vốn là sản phẩm dễ sao chép và Việt Nam là thị trường nhạy cảm với giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại