Doanh nhân Đoàn Thu Thủy dạy con: Tiền tiết kiệm thì mua vàng để cất tủ

Đoàn Thu Thủy |

Nhiều khi giàu còn khổ hơn nghèo vì đang trên mây lỡ sa cơ thất thế rơi xuống vực thẳm mà không có quỹ dự phòng là chết .

Ăn bữa nay phải lo bữa mai.

Con gái.

Hồi nhỏ nhà nghèo, bà ngoại hay dạy mẹ làm mười đồng phải để dành một đồng hộ thân. Mua mớ tôm mớ cá phải để lại vài con làm món khác, ăn bữa nay là phải lo bữa mai, đừng xài phung phí.

Bà ngoại dạy, tiền để dành là phải đem sắm vàng cất giữ, cất tiền lỡ cháy nhà thì mất, gửi nhà băng lỡ nhà băng phá sản là trắng tay.

Giờ nói theo từ ngữ mới là "trích lập dự phòng ".

Con đi làm phải dành 10% lương cất lại, gom đủ 1 chỉ hay một lượng thì sắm cất đi.

Con kinh doanh cũng phải dành 10% lợi nhuận để đề phòng khi rủi ro phá sản cũng còn có của mà làm lại.

Có lần đi nói chuyện với công nhân ở khu công nghiệp, mẹ hỏi các bạn có tiền để dành không? Các bạn nói làm không đủ xài có đâu để dành cô ơi, mẹ hỏi vậy nửa đêm con bệnh con đau, hoặc có biến cố gì thì tiền đâu mà lo? Các bạn chưng hửng vì chưa tính tới.

Ở đời rủi ro biết đâu mà lường. Lương 5 triệu thì để 500 ngàn vô ống heo, cuối năm đập ra thêm tiền thưởng mua được 2 chỉ vàng để dành. Liệu cơm gắp mắn, nghèo lo kiểu nghèo, giàu lo kiểu giàu.

Nhiều khi giàu còn khổ hơn nghèo vì đang trên mây lỡ sa cơ thất thế rơi xuống vực thẳm mà không có quỹ dự phòng là chết.

Làm ra tiền, tiêu xài theo nhu cầu bản thân nhưng ít hay nhiều phải để lại phòng thân con ạ.

Ông bà xưa có nói "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", giàu mà không dạy con cái biết tiết kiệm, biết tích cốc phòng cơ thì đến đời thứ ba cháu chắt cũng tiêu xài hết sản nghiệp ông bà để lại, nghèo mà biết phận nghèo cố gắng lao động, dành dụm cho con cái ăn học thì đến đời con đời cháu chắc chắn vinh hiển... ông bà dạy chẳng sai đâu con.

Còn có câu: "Làm khi lành để dành khi đau", lúc mạnh khoẻ làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, khi đau ốm bệnh tật tiền đâu mà thuốc thang chữa trị? Đâu ai biết trước ngày mai thế nào, nên cứ phải phòng bị.

Sách Tàu có câu :"Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn", lúc có cuộc sống bình an, hoan lạc thì phải phải nghĩ đến lúc nguy khốn, có nghĩ, có phòng bị thì không sợ hoạn nạn.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại