Doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc 6 nước châu Á liên minh để “mặc cả” với phương Tây

Nhật Đăng |

Các hãng thời trang phương Tây đã hủy nhiều đơn hàng ngay khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, điều này đã tác động nặng nề đến đời sống người lao động ngành dệt may châu Á.

Các doanh nghiệp dệt may đến từ 6 nước sản xuất phần lớn các sản phẩm may mặc của thế giới đã cùng thống nhất trong một mặt trận để có thể đàm phán được điều khoản tốt hơn với các nhãn hàng thời trang phương Tây.

Các hãng thời trang phương Tây đã hủy nhiều đơn hàng ngay khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, điều này đã tác động nặng nề đến đời sống người lao động ngành dệt may châu Á, theo tin từ Japan Today.

Phát ngôn viên mạng lưới các nhà cung cấp châu Á STAR, ông Miran Ali, nói: “Chúng tôi muốn cùng hợp tác với nhau nhằm giải quyết vấn đề chung mà chung tôi đối mặt. Mục tiêu của việc này không phải là đưa ra giá bán hàng hóa tối thiểu mà nó liên quan đến đạo đức trong kinh doanh”.

Cũng theo ông Ali, sáng kiến mới sẽ giúp cho các nhà sản xuất châu Á có tiếng nói trọng lượng hơn trong đàm phán về điều khoản chi trả và vận chuyển hàng với các thương hiệu thời trang phương Tây.

Nhóm STAR đại diện cho 9 tổ chức nghề tại 6 quốc gia đều là những nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới bao gồm Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Campuchia.

Tính chung, nhóm các nước này sản xuất khoảng 60% hàng dệt may xuất khẩu của thế giới và tuyển dụng hàng triệu người lao động.

Mục tiêu của nhóm là để hỗ trợ cho ngành dệt may vốn chịu tác động nặng nề bởi cuộc đại dịch tồi tệ khiến cho an ninh việc làm và thu nhập của người lao động ngành dệt may đi xuống.

Phát ngôn viên tại Hiệp hội dệt may Campuchia, ông Ken Loo, nói: “Chúng tôi đang cùng hợp tác với nhau để tạo ra những điều kiện tiêu chuẩn. Sẽ chẳng ai bị buộc phải tuân thủ theo các điều khoản này thế nhưng chúng tôi hy vọng nó sẽ trở thành hướng dẫn cho tất cả các bên mua và bên bán”.

Vào đầu năm ngoái, ngay khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới đã hủy các đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ USD. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho các cửa hàng thời trang buộc phải đóng cửa hàng loạt, tổn thất lương thưởng của người lao động ước tính lên đến 5,8 tỷ USD, theo tính toán của Clean Clothes Campaign.

Sau đó khi mà số lượng các đơn đặt hàng dệt may phục hồi trong nửa sau năm 2020, các thương hiệu thời trang phương Tây đã yêu cầu nhà cung cấp châu Á giảm giá đồng thời đề nghị chậm thanh toán trong khi tình hình của các doanh nghiệp hàng dệt may châu Á vô cùng khó khăn.

Ông Ali nhấn mạnh rằng một mặt trận thống nhất sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thêm khả năng chống chọi trước các áp lực như vậy và rằng hiệp hội sẽ hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp.

Hiện tại ở châu Á có khoảng 60 triệu người đang làm việc trong ngành dệt may, các chuyên gia ngành nói rằng doanh số suy giảm đã khiến cho cuộc sống của nhiều người lao động ngành dệt may trở nên khó khăn hơn. Hoạt động cạnh tranh trong ngành có nhiều diễn biến xấu khi mà có những công ty hạ giá xuống quá thấp để giành đơn hàng của đối thủ vốn đã hiếm hoi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại