Ảnh minh họa.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn "thao túng tiền tệ" lên Việt Nam sau hai cuộc điều tra về tỷ giá và ngành gỗ của Việt Nam do Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thực hiện. Các cuộc điều tra này có cơ chế tương tự như cơ chế Mỹ đã sử dụng để áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ lo ngại Chính phủ nước này sẽ đánh thuế hàng hóa Việt Nam giống như đã làm đối với hàng hóa Trung Quốc.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) kêu gọi Chính phủ Mỹ không áp thuế quan lên hàng Việt Nam và thay vào đó, thắt chặt quan hệ với Việt Nam. "Điều quan trọng là mối quan hệ này không chỉ duy trì mà còn cần được tiếp tục mở rộng khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục", ông David French, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ của NRF, phát biểu.
"Các công ty Mỹ vẫn đang đối mặt khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, thuế quan mới áp lên áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ đặt ra thách thức lớn hơn đối với doanh nghiệp Mỹ và dẫn tới chi phí cao hơn đối với người tiêu dùng", ông French nói.
NRF ước tính nếu Chính phủ Mỹ áp thuế quan mới lên hàng hóa Việt Nam, người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu thiệt hại 4-9 tỷ USD mỗi năm.
"Nhiều công ty chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam do thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc", ông French nói thêm. "Áp thuế lên hàng hóa từ Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho những công ty này và có thể dẫn tới việc họ chuyển sản xuất trở lại Trung Quốc".
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc là một nhân tố đưa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong những năm gần đây. Chẳng hạn, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong tháng 10/2020 đã tăng 180% so với cùng kỳ 2016. Trong 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng gần 25%, đạt 69 tỷ USD.
Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội nói rằng Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Mỹ, với cơ hội lớn dành cho doanh nghiệp Mỹ trong các ngành nông nghiệp, sản xuất máy bay, năng lượng, trang thiết bị và công nghệ.
Giám đốc AmCham tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff, nói: "Bất kỳ động thái nào trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam bằng thuế quan trừng phạt cũng sẽ gây phương hại đến mối quan hệ gần gũi mà hai nước đã phát triển trong nhiều năm".
Ngoài ra, theo ông Sitkoff, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam gia tăng chủ yếu là do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc thay vì chính sách tỷ giá của Việt Nam. "Bằng cách mở rộng hơn cánh cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, Việt Nam có thể giảm thặng dư thương mại với Mỹ theo hướng có lợi cho cả hai nước", ông nói.