Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vay mới

Lệ Hằng |

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TPHCM đang rất cần vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng không vay được.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM được hưởng việc giãn, giảm thuế, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ ngân hàng và được cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các ngân hàng thương mại đã cho gần 18.400 doanh nghiệp vay mới 89.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, so với số doanh nghiệp đang “khát” vốn thì mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu.

Công ty may thêu Minh Long Hưng ở Quận 9, chuyên sản xuất quần áo trẻ em cho thị trường nội địa. Trong đợt dịch bệnh vừa rồi, doanh nghiệp phải thu hẹp rồi dừng sản xuất, cắt giảm 70% số lao động và doanh thu cũng giảm 70%.

Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty may thêu Minh Long Hưng cho biết, hiện công ty đang sắp xếp lại nhà kho, kiểm tra, bảo trì lại máy móc chứ chưa sản xuất lại, 30% nhân viên còn giữ lại chưa có việc làm. Doanh nghiệp đang phải xoay sở tiền để trả lương cho số nhân viên này và trả lãi suất ngân hàng. Giờ ông Sinh muốn vay thêm vài tỷ đồng để nhập thêm mẫu vải mới, sản xuất quần áo trở lại nhưng rất khó vì trước đó toàn bộ nhà xưởng đã thế chấp cho ngân hàng để vay đầu tư thiết bị, máy móc.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vay mới - Ảnh 1.

Nhà xưởng của Công ty Minh Long Hưng chưa hoạt trở lại do thiếu vốn nhập nguyên liệu vải sản xuất.

“Ngân hàng hiện nay cho vay vẫn giữ chuẩn, chỉ có thủ tục thông thoáng hơn, xét duyệt nhanh hơn, lãi suất ưu đãi hơn… cơ bản quy định vay không thay đổi. Doanh nghiệp giờ đâu có tài sản thế đâu mà vay được. Nhân viên tín dụng thì nói chờ hội sở xem xét nhưng tôi nghĩ cũng khó vay lắm” - ông Lý Thành Sinh cho biết.

Khó khăn của Công ty may thêu Minh Long Hưng cũng là khó khăn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TPHCM hiện nay. Doanh nghiệp cần vay vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhưng khó vay được vì không có tài sản để thế chấp.

Ở lĩnh vực lương thực, thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho biết, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đủ điều kiện của ngân hàng được vay mới. Còn lại, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần vốn nhưng khó vay. Do trước đó, nhiều doanh nghiệp đã thế chấp hết tài sản cho ngân hàng. Để tháo gỡ khó khăn về vốn lưu động cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và kinh doanh.

"Tôi đề nghị với ngân hàng cho phép doanh nghiệp dùng những tài sản hiện hữu đang thế chấp vay mới. Họ cho vay tài sản đã định giá 70% bây giờ dùng tài sản này tăng hạn mức lên cho vay đối với doanh nghiệp cần vốn sản xuất, đáp ứng được hàng hóa và có khả năng trả nợ” - bà Lý Kim Chi nói.

Hiện nay, để khôi phục sản xuất sau dịch bệnh Covid -19, nhiều doanh nghiệp cần vay thêm vốn. Ngân hàng không thiếu tiền và cũng muốn cho doanh nghiệp vay nhưng phải đảm bảo an toàn, tránh nợ xấu nên vẫn đòi tài sản thế chấp và cho vay theo chuẩn cũ.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, để gỡ khó cho doanh nghiệp, chính quyền thành phố và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với nhau đưa ra giải pháp.

“Nếu sau lưng ngân hàng thương mại có UBND thành phố và Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thì các ngân hàng thương mại sẽ yên tâm cho vay, vì khoanh nợ không sai quy định. Khi đó, ngân hàng thương mại mới dám giữ doanh nghiệp với tư tưởng nuôi nợ để đòi nợ, chứ nếu chúng ta nói lý thuyết thì không có ngân hàng thương mại nào dám cho doanh nghiệp vay tiếp, vì doanh nghiệp đang nợ chồng nợ chất, nếu cố ý làm trái người cho vay sẽ chết. Chúng ta phải đi vào thực tế nuôi nợ” - TS. Trần Du Lịch phân tích.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng nguồn vốn thì các ngân hàng thương mại đã chuẩn bị sẵn sàng cho các doanh nghiệp vay nhưng phải đảm bảo an toàn, lành mạnh cho hệ thống. Thời gian qua, tăng trưởng tín dụng thấp là do một số doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được dòng tiền trả nợ. Vì vậy, TPHCM nên tăng cường vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mong muốn thành phố chỉ đạo Quỹ bảo lãnh tín dụng đẩy nhanh quá trình rà soát, kiện toàn để hoàn thiện quy trình bảo lãnh. Khi có sự bảo lãnh của quỹ này thì việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp ở thành phố sẽ thuận lợi hơn, để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội” - bà Hồng Nguyễn Thị cho biết.

Doanh nghiệp đang khó khăn. Đây thời điểm cấp bách, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để vay vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh. Nếu việc hỗ trợ chậm trễ thì trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp không trụ lại được, buộc phải phá sản./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại