Trước bối cảnh trên, ngày 29.4 tại Bình Dương đã diễn ra chương trình tọa đàm trực tuyến "Quản trị thông minh – An toàn mùa dịch".
Chương trình tọa đàm có sự tham gia của ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động Thương binh và xã hội; bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH Manpower Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp.
Tọa đàm “Quản trị thông minh – An toàn mùa dịch”. Ảnh: Hằng Nguyễn
Chương trình này được thực hiện nhằm chia sẻ cách làm hay, tìm giải pháp quản trị an toàn cho các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, bảo vệ sức khỏe người lao động trong dịch COVID-19. Đặc biệt, qua đó thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức CĐ hưởng ứng các hoạt động trong Tháng Công nhân, Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động.
Đại biểu tham gia tọa đàm. Ảnh: Hằng Nguyễn
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, có khoảng 42.269 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và 3.753 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư sản suất, kinh doanh. Có khoảng 1,2 triệu lao động đang làm việc tại tỉnh này.
Bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao Động tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp đã năng động, sáng tạo trong việc phòng dịch COVID-19. Người lao động cũng rất đồng tình và nghiêm túc chấp hành các quy định để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
Các doanh nghiệp từng bước thay đổi biện pháp hoạt động phù hợp với tình hình dịch bệnh để duy trì sản suất, kinh doanh. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chuyển người lao động từ làm việc trực tiếp sang làm việc tại nhà.
Công nhân đo thân nhiệt khi vào cổng công ty. Ảnh: Đình Trọng
"Tổ chức công đoàn cũng thay đổi để thích nghi từ làm việc trực tiếp sang làm việc trực tuyến. Công đoàn các cấp đã chỉ đạo, thay đổi nội dung rất kịp thời, sinh động hơn như tuyên truyền chống dịch qua clip, qua mạng xã hội" - bà Hạnh cho chia sẻ.
Việc an toàn sức khỏe của người lao động khi làm việc tại nhà máy ở Bình Dương được đẩy lên cao nhất. Các doanh nghiệp ý thức và chủ động phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu. Đến nay các doanh nghiệp vẫn duy trì nghiêm ngặt việc đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang... vẫn được duy trì khi công nhân vào nhà máy làm việc.
Doanh nghiệp tại Bình Dương chủ động phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn sức khỏe NLĐ và sự hoạt động của nhà máy. Ảnh: Đình Trọng
Chia sẻ về giờ ăn ca, giữ khoảng cách an toàn 2m, bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch công đoàn Công ty Sung Shin Vina cho biết, để phòng chống COVID-19, công ty đã thành lập ban phòng chống COVID-19, yêu cầu 100% công nhân đeo khẩu trang. Tại Công ty luôn có một cán bộ y tế và một cán bộ Ban phòng chống kiểm tra nhiệt độ cho công nhân, duy trì khoảng cách 2m, tuyên truyền cho công nhân, có màn che để tránh giọt bắn giữa các công nhân, có cồn khử trùng và phun thuốc khử trùng hằng ngày các công xưởng.
"Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đơn hàng của doanh nghiệp đã bị cắt giảm nhưng doanh đã cố gắng không cắt giảm việc làm để người lao động có thu nhập. Công đoàn cũng tặng 20 kg gạo/người cho người khó khăn, khuyết tật, đang mang thai, nuôi con nhỏ. Mỗi tháng, doanh nghiệp cũng duy trì cuộc họp 3 bên giữa doanh nghiệp, công đoàn và người lao động để tìm giải pháp tốt nhất" - bà Hòa cho biết thêm.
Nhà ăn được lập khung vách ngăn để giãn cách giữ an toàn. Ảnh: Đình Trọng
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời gian tới dịch bệnh tiếp tục được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, mặc dù Việt Nam về cơ bản đã đẩy lùi và kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Tục ngữ Việt Nam có câu “cái khó ló cái khôn”, rất nhiều doanh nghiệp, người lao động, các cơ quan đã tìm ra những giải pháp để thích nghi với đại dịch COVID-19. Chúng ta đã làm việc tại nhà, hình thành những mô hình quản trị tại nhà rất phù hợp để vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo hoạt động lao động, sản xuất, phát triển kinh tế đất nước. Có thể nói rằng quản trị thông minh để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, thích ứng và “chiến đấu" lâu dài với dịch.