Ứng dụng gọi xe Grab và hãng xe Be đã chính thức đưa ra phương án giao hàng gián tiếp và "đi chợ hộ" thu hút sự chú ý và nhận được nhiều phản ứng tích cực từ khách hàng và tài xế.
Đơn cử như ứng dụng gọi xe Grab đã đưa ra hình thức giao hàng gián tiếp từ 20/3 /2020 tại Hà Nội, theo đó, khi sử dụng dịch vụ GrabFood, khách hàng có thêm tùy chọn điểm giao món là trước cửa nhà, tại quầy tiếp tân của toà nhà hay bất kỳ vị trí nào thuận tiện cho việc nhận món và dễ dàng thông báo cho đối tác tài xế thông qua cuộc gọi miễn phí hoặc tin nhắn trên ứng dụng Grab (GrabChat).
Đối tác tài xế khi giao hàng sẽ đặt thức ăn tại vị trí đã được chỉ định và thông báo đơn hàng đã đến qua cuộc gọi hoặc GrabChat. Sau đó sẽ đứng chờ khách ở khoảng cách 2 - 3m.
Trường hợp địa điểm của khách hàng không có vị trí thuận tiện cho việc nhận món, tài xế sẽ đặt thức ăn trên túi GrabFood và lùi về sau khoảng 2 - 3m để đảm bảo an toàn theo yêu cầu của khách.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành, Grab Việt Nam cho biết, hình thức giao hàng gián tiếp là một biện pháp thiết thực và hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho khách hàng và tài xế GrabFood trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Thông qua phương thức giao hàng mới, chúng tôi hy vọng người dùng vẫn có thể đặt được những món ăn mình yêu thích một cách an tâm, an toàn trong mùa dịch này", bà Hải Vân nói.
Ngoài Grab "tung chiêu" nhằm hạn chế lây lan của Covid-19, ứng dụng gọi xe Be cũng đã đưa ra tính năng "đi chợ hộ".
Với tính năng này, sau khi khách hàng nhập điểm mua, sẽ tự tay nhập món đồ cần mua, tài xế Be sẽ tính toán tổng số tiền khách hàng phải thanh toán.
"Với khách hàng khi sử dụng tính năng "đi chợ hộ", cần thanh toán đúng giá trị theo hóa đơn bán lẻ mà tài xế đưa lại khi giao hàng, tài xế cũng có quyền từ chối các đơn hàng giá trị trên 500.000 đồng. Tổng số tiền hiển thị trên ứng dụng là phí dịch vụ "đi chợ hộ", chưa bao gồm tiền hàng", đại diện ứng dụng Be thông tin.
Hiện, giá cước cho mỗi cuốc xe đi chợ hộ là 5.500đồng/km và 50.000 đồng cho mỗi cuốc xe đi chợ giùm, trong tương lai có thể điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thị trường và phục vụ người dân tốt hơn.
Du mới ra mắt từ đầu tháng 3/2020, dịch vụ này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều khách hàng và tại xế tại Hà Nội và TP HCM.
Theo số liệu Be cung cấp, hiện tại dịch vụ beDelivery nhận được khoảng 15.000 lượt yêu cầu mỗi ngày, tăng 200% so với trước thời điểm diễn ra dịch CoVid-19.
Sau khi 2 ứng dụng đưa ra các hình thức mới lạ trong dịch Covid-19, nhiều tài xế và khách hàng cũng tỏ ra hào hứng với các chương trình này.
"Từ khi có dịch vụ đi chợ hộ, có ngày thu nhập tăng vọt vì nhận được nhiều đơn hàng từ khách", anh Nguyễn Minh Tuấn, tài xế ứng dụng Be nói.
Cũng giống anh Tuấn, anh Hoàng Văn Hải, tài xế ứng dụng Grab cho biết, từ khi dịch bùng phát tại Hà Nội, anh đã rất lo lắng cho sức khỏe của bản thân do tính chất công việc phải tiếp xúc với nhiều người tại nhiều địa điểm khác nhau.
"Từ khi Garb đưa ra hình thức giao hàng mới này, tôi cảm thấy rất yên tâm, dù hơi mất công chút nhưng điều đó giúp đảm bảo an toàn cho cả khách lẫn bản thân nên tôi rất ủng hộ", anh Hải cho hay.