Lượng tiền mặt mà giới doanh nghiệp Mỹ cất ở nước ngoài đã tăng lên mức 2,5 nghìn tỷ USD - theo một báo cáo mới được công ty tư vấn độc lập Capital Economics công bố. Bản báo cáo nói rằng rất ít khả năng số tiền mặt khổng lồ này sẽ được các công ty chuyển về nước.
“Số tiền mặt khổng lồ cất ở nước ngoài có thể tạo ra một cú huých quan trọng cho GDP của Mỹ nếu được chuyển về nước.
Nhưng khả năng điều này xảy ra trong điều kiện hệ thống thuế hiện tại là rất thấp”, hãng tin CNBC dẫn lời ông Andrew Hunter, chuyên gia kinh tế Mỹ của Capital Economics, nói trong bản báo cáo ra ngày 20/9.
Cách đây hai năm, Capital Economics ước tính số tiền mặt mà các công ty Mỹ giấu ở nước ngoài đã tăng gấp 6 lần trong vòng một thập kỷ, lên mức 2,1 nghìn tỷ USD. Tiếp đó, con số này đã tăng lên mức 2,5 nghìn tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2015 - theo báo cáo mới nhất.
Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh nhà chức trách Liên minh Châu Âu (EU) mới đây công bố một phán quyết yêu cầu Ireland truy thu 14,6 tỷ USD tiền thuế từ hãng công nghệ Mỹ Apple.
Quyết định này đã gây sốc trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, làm dấy lên những câu hỏi về tương lai của các công ty đa quốc gia hoạt động tại châu Âu cũng như các quy tắc quốc tế về thuế.
Đầu tháng này, Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple nói “quả táo” dự định sẽ đưa hàng tỷ USD lợi nhuận ở nước ngoài về Mỹ trong năm tới, nhưng không nói cụ thể sẽ chuyển bao nhiêu tiền về nước. Hãng tin Reuters dẫn một báo cáo công bố hồi năm 2015 nói rằng Apple đang giữ 181 tỷ USD tiền mặt ở nước ngoài.
Capital Economics ước tính hiện Apple đang “giấu” số lợi nhuận tích lũy 91,5 tỷ USD ở nước ngoài, nhưng cho rằng hãng này không phải là công ty Mỹ giấu nhiều tiền mặt nhất ở nước ngoài. Theo Capital Economics, hai tập đoàn General Electric (GE) và Microsoft mỗi công ty có hơn 100 tỷ USD ở nước ngoài.
“Mỹ đòi hỏi các công ty phải đóng thuế doanh nghiệp 35%, mức cao nhất trong số các quốc gia phát triển, đối với lợi nhuận ở nước ngoài, nhưng chỉ khi lợi nhuận được chuyển về nước. Quy định này rõ ràng khuyến khích các công ty Mỹ giữ lợi nhuận ở nước ngoài”, báo cáo của Capital Economics có đoạn viết.
“Như vậy có nghĩa là triển vọng về một thỏa thuận nhằm cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp đã không còn xa như trước kia”, báo cáo nhận định khi nói về những lời hứa cải cách thuế mà hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là Hillary Clinton và Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mỗi người.