Như VnEconomy đã phản ánh, tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa diễn ra cuối tuần qua, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đã nhấn mạnh đến một gánh nặng của doanh nghiệp, đó là chi phí liên quan đến đất đai.
Nhưng, đây không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp Tp.HCM.
Tập hợp từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kiến nghị của các doanh nghiệp cho thấy doanh nhân ở nơi khác cũng “kêu trời” vì giá thuê đất quá cao.
Phản ánh giá thuê đất quá cao, các doanh nghiệp không chịu nổi, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình nêu ví dụ cụ thể, giá thuê đất tại Công ty Cổ phần Tam Kỳ năm 2015 là 10.000 đồng /m2 năm thì năm 2016 là 33.600 đồng/m2 (tăng 3,36 lần).
Hay Công ty Cổ phần Điện tử Thái Bình năm 2015 nộp 226 triệu đồng, năm 2016 tăng lên 618 triệu đồng (tăng 2,7 lần). Doanh nghiệp khác cho biết giá thuê tăng từ 4 - 5 lần so với năm 2015.
Đề nghị khi thực hiện tăng giá thuê đất cần có lộ trình cụ thể và có mức trần không vượt quá 2 lần so với giá 2010, như tinh thần nghị quyết 02/2013/ ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Hiệp hội này đề nghị.
“Không thể chịu đựng nổi” cũng là cụm từ trong kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.
Hiệp hội này đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho xem xét, sửa đổi thuế đất hoặc miễn giảm thuế đất trong một thời hạn nhất định đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung và doanh nghiệp cơ khí nói riêng .
Bởi, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp khi thi hành còn nhiều khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp cơ khí do diện tích đất dùng để sản xuất sản phẩm cơ khí thường là rất lớn nên tại thời điểm khó khăn hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp cơ khí không thể chịu đựng nổi.
Mặt khác, do chính sách thu hút đầu tư, tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp FDI được miễn giảm thuế đất, gây bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh thì cho biết đã nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp về việc giá thuê đất tăng 5 lần trong vòng 5 năm qua (2010 - 2015).
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Lưới Thép Gai Hưng Thịnh thuê 11.077 m2 tại cụm Công nghiệp Nam Hồng - Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), giá thuê năm 2010 là 23,1 triệu đồng/năm, năm 2014 lên 44,510 triệu đồng/năm và năm 2015 lên:119,317 triệu đồng/năm.
Công ty TNHH Lâm Sản Lam Hồng thuê 5.488 m2 tại cụm công nghiệp này giá thuê năm 2014 là 9,8 triệu đồng/năm, năm 2015 lên 49 triệu đồng/năm.
Theo Hiệp hội, môi trường kinh doanh ở Hà Tĩnh nói riêng, ở Việt Nam nói chung chưa có cải thiện đột biến để tăng giá thuê đất 5 lần trong vòng 5 năm trong lúc kinh tế thế giới khủng hoảng.
Nếu tăng chỉ tăng 1,5 - 2 lần so với năm 2010 là hợp lý. Hơn nữa, mức giá nêu trên được cho là vượt xa các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình,....
Đáng chú ý, Hiệp hội doanh nghiệp Hà Tĩnh nêu rõ, tình hình trên đã được các doanh nghiệp phản ánh tại cuộc đối thoại ngày 12/10/2015 với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, song đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Những kiến nghị nêu trên, và còn nhiều kiến nghị khác, trong thẩm quyền giải quyết đều có tên ngành tài nguyên - môi trường.
Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường không đăng đàn phát biểu.
Nhưng, như lời Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Thủ tướng đã chỉ đạo VCCI kịp thời tâp hợp kiến nghị của doanh nghiệp và các bộ ngành phải giải quyết đến nơi đến chốn, không đươc để tình trạng "nước đổ đầu vịt".
Như vậy, nếu mệnh lệnh của Thủ tướng được thực thi nghiêm túc thì các doanh nghiệp có thể sẽ sớm có câu trả lời cho các kiến nghị không còn gì là mới mẻ liên quan đến đất đai nữa.