Liên Bộ Khoa học – công nghệ và Kế hoạch - đầu tư vừa ban hành Thông tư liên tịch (số 05/2016) quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền SHCN.
Theo đó, căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền SHCN sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, do cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN kết luận hoặc quyết định.
Cụ thể, khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì doanh nghiệp thực hiện một hoặc các biện pháp:
(i) Đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp; (ii) Thông báo bằng văn bản về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp gửi Phòng Đăng ký kinh doanh.
Nếu doanh nghiệp vi phạm không chấm dứt hành vi sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, biển hiệu, giấy tờ giao dịch hoặc không tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp xâm phạm theo thông báo của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc theo thỏa thuận của các bên… thì sẽ bị áp dụng biện pháp buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp.
Và, khi đã bị buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp mà doanh nghiệp vẫn không thực hiện thì Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có tên xâm phạm đặt trụ sở chính sẽ thực hiện biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Hiện nay tình trạng xâm phạm quyền SHCN tên gọi doanh nghiệp ngày càng phổ biến, nhất là đối với các thương hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng tín nhiệm.
Gần đây nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới (14 Lê Quý Đôn, phường 6, quận 3, TP HCM) đã nộp đơn kiện lên Tòa án Nhân dân Quận Gò Vấp về việc nhãn hiệu “Sườn Cây” - một chuỗi nhà hàng đồ nướng - của doanh nghiệp này bị cho là đang bị làm nhái thương hiệu trên địa bàn.
Theo đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới (Cty Viên Ngọc Mới), đầu tháng 2/2016, Công ty này phát hiện Công ty CP Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí Anh Em (số 97 đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp) sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” trên bảng hiệu công ty khi chưa có sự đồng ý của Cty Viên Ngọc Mới.
Công ty Viên Ngọc Mới đã 3 lần gửi công văn, thư khuyến cáo yêu cầu phía Công ty CP Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí Anh Em phải chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” trên biển hiệu.
Tuy nhiên, Công ty CP Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí Anh Em không phản hồi.
Cuối tháng 3/2016, Cty Viên Ngọc Mới đã đề nghị Viện Khoa học Sở Hữu Trí Tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) tiến hành giám định sở hữu công nghiệp đối với các chứng cứ vi phạm của Công ty CP Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí Anh Em.
Kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ thể hiện: “Dấu hiệu “Sườn Cây” gắn trên biển hiệu nhằm kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống - như trên được thể hiện trên tài liệu một là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 11, Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu “Sườn Cây” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 229419 của Cty Viên Ngọc Mới”.
Nhãn hiệu “Sườn Cây” đã được Cty Viên Ngọc Mới đăng ký và được Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 229419, thời hạn 10 năm kể từ ngày 5/8/2014.
Nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình với nhãn hiệu Sườn Cây, ngày 23/3/2016, Cty Viên Ngọc Mới đã làm đơn khởi kiện đến TAND quận Gò Vấp yêu cầu Công ty Anh Em chấm dứt hành vi vi phạm và thay đổi biển hiệu Sườn Cây tại nhà hàng 97 Quang Trung. Đồng thời yêu cầu Công ty Anh Em phải công khai xin lỗi và bồi thường 1 tỷ đồng.