Doanh nghiệp có quyền "bêu" ảnh người lao động lên mạng xã hội?

Hương Huyền |

Mỗi doanh nghiệp đều có thể tự đề ra biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình theo cách riêng, nhưng không được dùng mạng xã hội để xâm phạm quyền nhân thân của người khác, đó là vi phạm pháp luật

Những ngày gần đây, việc Công ty CP Dịch vụ Truyền thông DC MEDIA (TP Hà Nội) công khai thông tin, hình ảnh của một số nhân viên được cho là tự ý nghỉ việc nhưng chưa hoàn tất bàn giao lên trang Facebook của công ty tên "DC Media", có 42.000 người theo dõi, đã thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Theo công ty, mục đích của việc công bố thông tin công khai là nhằm cảnh báo và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng và đối tác.
Doanh nghiệp có quyền "bêu" ảnh người lao động lên mạng xã hội?- Ảnh 1.

Cảnh báo của Công ty CP Dịch vụ Truyền thông DC MEDIA trên trang Facebook

Phía công ty cho hay sau khi phát hiện hành vi giả mạo công ty để thực hiện giao dịch, gian lận chứng từ sổ sách và trục lợi từ nhóm nhân viên nêu trên, công ty đã lập biên bản và đình chỉ công tác, đồng thời yêu cầu bàn giao lại toàn bộ công việc đang tồn đọng. Tuy nhiên, nhóm nhân viên này không hợp tác bàn giao công việc, đồng thời còn cung cấp hồ sơ, chứng từ giả cho đơn vị kiểm toán. Khi bị kiểm toán phát hiện thì đồng loạt viết đơn xin nghỉ và sau đó nghỉ việc luôn dù công ty chưa đồng ý. Mật khác, do người lao động khai báo không trung thực, làm giả chứng từ tài liệu nên công ty đã treo lương tháng 11-2023 của họ cho tới khi làm sáng tỏ vụ việc.

Kèm theo các thông tin về vụ việc, công ty có đăng họ tên, số điện thoại+ CCCD (hiển thị số không đầy đủ) và hình ảnh của 8 nhân viên (có che một phần mặt). Bên cạnh đó công ty cũng treo "quà cảm ơn" 500.000 đồng nếu đối tác, khách hàng cung cấp thông tin xác thực về hành vi sai phạm của các nhân viên này.

Tuy nhiên, theo đại diện phía người lao động thì nhóm của họ không hề trốn tránh các công việc đang phụ trách và vẫn đang phối hợp cùng nhóm mới triển khai công việc trên các group công ty đưa ra. Nhưng hiện công ty đã khoá tài khoản cá nhân trên app làm việc của họ. Các nhân viên nộp đơn xin nghỉ việc ngày 16-12-2023 qua email và vẫn đang tiếp thực thực hiện bàn giao công việc nhưng phía công ty không có bất cứ phản hồi nào.

Mặt khác, công ty nghi ngờ và thực hiện điều tra từ đầu tháng 11-2023 nhưng đến nay không đưa ra được bằng chứng cụ thể về sai phạm của nhân viên cũng như thời điểm kết thúc điều tra, song lại giữ lương nhân viên. Ngoài ra, gia đình một số nhân viên còn nhận được những cuộc gọi, tin nhắn quấy rối gây hoang mang, lo sợ. 

Doanh nghiệp có quyền "bêu" ảnh người lao động lên mạng xã hội?- Ảnh 2.

Phản hồi từ phía người lao động

Hiện tranh chấp giữa hai bên vẫn chưa ngã ngũ, nhưng vấn đề được cư dân mạng đặc biệt quan tâm là việc doanh nghiệp công khai "bêu" tên, thông tin cá nhân, hình ảnh của người lao động trên trang mạng xã hội liệu có đúng quy định pháp luật không?

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa, cho hay mỗi cá nhân đều có quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, theo quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015, mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

Hiện nay, tại Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận quyền nhân thân của cá nhân bao gồm các quyền: Quyền có họ, tên (Điều 26); Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32); Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34); Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38) và những quyền khác... Theo đó việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào vi phạm quy định trên là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, là xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người bị xâm hại. Khi đó, người bị xâm hại có quyền khởi kiện buộc người vi phạm cải chính, xin lỗi, bồi thường theo quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình; Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ; Buộc bồi thường thiệt hại; Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; Yêu cầu khác theo quy định của luật.

"Mỗi doanh nghiệp đều có thể tự đề ra biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình theo cách riêng, nhưng không được dùng mạng xã hội để xâm phạm quyền nhân thân của người khác. Đó là vi phạm pháp luật, bởi không gian mạng không phải nơi riêng tư mà là cộng đồng. Đưa thông tin của cá nhân lên cộng đồng thì phải được sự đồng ý của người đó"- Luật sư Lễ nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại