Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sau 3 năm triển khai Nghị định 210 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn (tính đến thời điểm tháng 9/2016), mới chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa với quy mô vốn phần lớn ở mức dưới 5 tỷ đồng, với khoảng 55% thuộc loại này. Thậm chí có tới gần 50% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, dưới 10 lao động.
Trong khi đó, ngân sách nhà nước giải ngân cho mục tiêu thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn còn rất hạn hẹp.
Cụ thể, ngân sách trung ương năm 2015 hỗ trợ thí điểm được 200 tỷ đồng cho 21 địa phương thực hiện thu hút 40 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng; năm 2016, ngân sách trung ương chỉ còn phân bổ được 185 tỷ đồng.
Dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đưa ra lấy ý kiến lần này sẽ bổ sung, thay thế một số nội dung hạn chế, không còn phù hợp được nêu ra tại Nghị định 210 của Chính phủ năm 2013.
Theo đó, dự thảo đưa ra hàng loạt các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Đơn cử như, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ cơ sở hạ tầng gồm: giao thông, điện, nước, xử lý chất thải trong hàng rào dự án; mức hỗ trợ 300 triệu đồng/ha nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng.
Trường hợp ngoài hàng rào dự án chưa có đường giao thông đạt chuẩn cấp V miền núi, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước đến hàng rào dự án mà doanh nghiệp đầu tư thì được hỗ trợ thêm 70% chi phí và tổng mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án…
Sau khi xem Dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An bày tỏ, doanh nghiệp hiện nay cần điều kiện kinh doanh, không phải đi tìm những cái hỗ trợ.
“Khó nhất là đi làm thủ tục hành chính, đăng ký thủ tục như một mớ bòng bong”.
Ông Huy nói và cho biết, hiện nay doanh nghiệp của ông làm chuối xuất khẩu, mặt hàng này có thị trường nhiều, các nước Nhật, Hàn Quốc cũng đánh giá cao và muốn nhập chuối của Việt Nam, muốn vậy phải trồng chuối công nghiệp. Thế nhưng, giờ đi xin khai thác đất rất khó.
Ngoài ra, ông cũng cho biết, doanh nghiệp cần tín dụng, song, ngân hàng lại chỉ cần đất làm tài sản thế chấp. Như doanh nghiệp ông nuôi tôm, cũng có đất, cũng có nhà lưới nhà kính, đầu tư tới 10 tỷ đồng/ha vậy nhưng tài sản không thể thế chấp ngân hàng vay vốn.
Một vấn đề nữa mà doanh nghiệp cần là nhà nước có hỗ trợ đầu tư hạ tầng nông thôn. Ở ĐBSCL – vùng sản nông nghiệp lớn nhất cả nước nhưng cơ sở hạ tầng kém.
Sản xuất chuối đem từ vườn ra Bến Nghé để đưa lên tàu xuất khẩu phải qua 4 giai đoạn làm chuối đội giá giảm sức cạnh tranh…, ông chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình cũng cho rằng thủ tục nhận hỗ trợ hiện này cũng quá rườm rà.
Thế nên, nếu dự án đầu tư 100 tỷ đồng mà phải làm thủ tục nhận 5 tỷ đồng tiền hỗ trợ thì nhiều doanh nghiệp sẽ bỏ không làm.
Thừa nhận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề then chốt hiện nay để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn không phải là tiền hỗ trợ.
Doanh nghiệp cần chính là tìm cách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách để doanh nghiệp có thể đầu tư vào nông nghiệp.
Ví như, thủ tục hành chính còn nhiêu khê, các bộ ngành đùn đẩy trách nhiệm gây khó khăn cho nhà đầu tư. Nếu hỗ trợ sẽ nảy sinh cơ chế xin-cho, lợi dụng chính sách để tiêu cực, đầu tư sẽ không hiệu quả.
Đó là chưa kể, hỗ trợ nhiều thì ngân sách nhà nước cũng không kham nổi.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các quy định về xác định tài sản thế chấp để doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn khi vay vốn.
Và thông qua nghị định mới này, sẽ xây dựng và ban hành được bộ khung về chính sách mới của Chính phủ, để khi ban hành sẽ thực sự thu hút được nhiều đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp nông thôn.